Xu hướng không thể đảo ngược

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng xanh đạt được kết quả nhưng vẫn còn một số hạn chế: tổng dư nợ tín dụng xanh hiện nay mới đạt 528 nghìn tỉ, chiếm 5% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Tốc độ tăng dư nợ bình quân đạt tích cực khoảng 26%/năm với tín dụng xanh. Nhưng để đòi hỏi tiến tới Net Zero vào năm 2050, vốn và nguồn đầu tư thông qua kênh tín dụng sẽ là nguồn lực chính, vì thế tốc độ này chưa hẳn đáp ứng được yêu cầu chính đặt ra.

Hiện nay số lượng các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh năm 2023 là 43, nhưng vẫn còn nhiều tổ chức tín dụng của tư nhân và nước ngoài chưa tham gia hoạt động này.

Mục tiêu đặt ra năm 2025 có 100% TCTD tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh. Trong đó, các ngân hàng phải có hướng dẫn, quy định nội bộ thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội theo quy định. Thực tế, đến ngày 31/6 các ngân hàng đã phải hoàn thành nhưng đối với nhiều ngân hàng đây vẫn là vấn đề mới. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh hiện nay còn thấp, mới chiếm 4,6% tổng dư nợ nền kinh tế, còn cách khá xa mục tiêu 10% vào cuối năm 2025.

Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc khối Tư vấn Môi trường Xã hội và Quản trị (ESG) tại KPMG Việt Nam và Campuchia - dẫn chứng tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết quan trọng.

Đầu tiên là bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris. Tiếp đó, đến năm 2040 sẽ loại bỏ dần sản xuất điện bằng nhiên liệu than. Và cuối cùng là đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng về 0.

Hướng tới 100% ngân hàng tham gia cấp tín dụng xanh.

Nguồn vốn lớn

6 ngành sẽ được đầu tư về tài chính theo KMPG đánh giá gồm năng lượng tái tạo, công trình xanh, phương tiện giao thông vận tải sử dụng điện, nông nghiệp - chuỗi cung ứng thực phẩm, công nghiệp nặng và chuỗi cung ứng.

Để đạt những tiêu chí đó, ông Hiếu cho rằng chúng ta cần 368 tỉ USD từ nay đến năm 2040. Ngoài ra, cũng cần sự hỗ trợ từ phía những bộ ban ngành, trong đó có NHNN mà gần đây nhất là Thông tư 17.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc thường trực, lãnh đạo Phụ trách dịch vụ Phát triển bền vững và Biến đổi Khí hậu Deloitte Việt Nam cho biết: Nếu chúng ta thực hiện nền kinh tế không carbon sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế đáng kể cho những khu vực mà Việt Nam hiện đang là thành viên. Deloitte ước tính con số đó là 47 tỉ USD nếu các quốc gia, doanh nghiệp bắt đầu hành trình hành động vì khí hậu, hướng đến tương lai giảm phát thải cho đến năm 2070. Nếu tính trên toàn cầu, con số này sẽ tăng lên rất nhiều.

Xét trên bình diện thế giới, nền tài chính xanh, tài chính bền vững đang được phát triển một cách tích cực. Theo Ngân hàng Trung ương Đức, nhu cầu và sự quan tâm đối với các khoản đầu tư "xanh" đang làm gia tăng nhanh chóng thị trường trái phiếu xã hội và trái phiếu xanh toàn cầu. Xu hướng này đặc biệt phát triển mạnh ở khu vực đồng Euro, nơi ngày càng có nhiều ngân hàng kết hợp các trái phiếu này vào danh mục đầu tư của họ.

Ước tính nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển ở châu Á cho thấy năng lượng chiếm 56%; vận chuyển chiếm 39%; viễn thông 8,7%; nước và vệ sinh chiếm khoảng 3,1%. Tương đương khí phát thải nhà kính ở Việt Nam, năng lượng chiếm 59%; nông nghiệp 19%.

Các ngân hàng tại Việt Nam cần hỗ trợ để thúc đẩy tài chính xanh. Nguồn tài chính của nền kinh tế Việt Nam cần đạt được các mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu. Dẫu là mục tiêu cuối cùng của mọi nền kinh tế trên thế giới, hành trình chuyển đổi sang Net Zero đòi hỏi số tiền đầu tư lớn nhằm chuyển đổi cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện đại. Khu vực Đông Nam Á ước tính cần đầu tư 5,7% GDP với tỷ lệ trung bình hàng năm lên đến 12% nhằm đáp ứng tổng nhu cầu đầu tư (giai đoạn 2016 – 2030).

Theo ước tính, Việt Nam sẽ cần khoảng 368-380 tỉ USD hay 6,8% GDP mỗi năm cho đến năm 2040 để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Đây là con số đòi hỏi rất nhiều thời gian cùng sự nỗ lực, chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, trong bối cảnh ngành ngân hàng Việt Nam chỉ chiếm 4,3% tổng dư nợ vào cuối năm 2022, tăng 12,9% so với năm 2021, tương đương khoảng 500 nghìn tỉ đồng (21,2 tỉ USD).

Đại diện Deloitte đề xuất một số khuyến nghị cho các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước. Trước những sáng kiến, chương trình được thúc đẩy bởi các quốc gia, tổ chức trên thế giới về tài chính xanh, Việt Nam có thể bắt đầu xây dựng các nguyên tắc để quản lý và giám sát hiệu quả rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu, tăng cường yêu cầu công bố thông tin quản lý rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý có thể xây dựng chính sách tiền tệ hướng đến nền kinh tế xanh nhằm giám sát và giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu của các ngân hàng.

Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV