Bối cảnh toàn cầu đầy bất định, nhưng mục tiêu tăng trưởng hai con số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn hiện thực hóa các cột mốc phát triển vào năm 2030 và 2045 như Nghị quyết của Đảng đã xác định.

Phó Thủ tướng cho biết, mục tiêu tăng trưởng 10% sẽ được đưa vào các nghị quyết Đại hội XIV. Trước mắt, năm 2025 cần đạt mức tăng 8% để tạo đà. Tuy nhiên, ông cảnh báo: nếu không tháo gỡ được những điểm nghẽn về thể chế – đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai và môi trường đầu tư – thì tăng trưởng cao sẽ chỉ dừng lại ở khát vọng.

235 tỷ USD bị kẹt lại trên giấy tờ

Một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong phát biểu của Phó Thủ tướng là con số 2.887 dự án đang vướng mắc, với tổng vốn đầu tư lên tới 235 tỷ USD và diện tích đất lên đến 347.000 ha trên toàn quốc.

Những con số này đã cao hơn nhiều so số dự án là 2.200 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại kỳ họp Quốc hội gần đây.

Đây là nguồn lực khổng lồ đang bị đóng băng chỉ vì vướng mắc pháp lý – một vấn đề được các hiệp hội doanh nghiệp nhiều lần kêu cứu. Nhưng đây cũng chính là sức bật, là năng lượng bị kìm hãm. Nếu những dự án này được tháo gỡ và triển khai, nền kinh tế sẽ có được cú hích cực mạnh từ phía cung – điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và bền vững.

Dien dan.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF). Ảnh: Vneconomy

Rào cản của những dự án này không nằm ở vốn, không nằm ở kỹ thuật, mà chủ yếu là do thể chế – đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư, môi trường. Nếu không cải cách mạnh mẽ, đột phá về thể chế, những dòng vốn đó sẽ tiếp tục bị tắc nghẽn, làm lãng phí nguồn lực quốc gia và làm trì trệ đà phục hồi tăng trưởng.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xem xét sửa đổi 3 luật quan trọng là Đất đai, Quy hoạch và Địa chất và Khoáng sản trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2025 nhằm khơi thông các nguồn lực này.

Thể chế phải đi trước, mở đường

Phó Thủ tướng khẳng định: “Muốn tăng trưởng hai con số thì phải phát triển mang tính cách mạng.” Trong ba đột phá chiến lược – thể chế, hạ tầng và nhân lực – thì thể chế là đột phá đầu tiên, có vai trò dẫn dắt.

Hệ thống pháp luật phải được hoàn thiện theo hướng ổn định, minh bạch, tiệm cận chuẩn mực quốc tế và – quan trọng nhất – có thể thực thi. Phân cấp, phân quyền phải rõ ràng, gắn với trách nhiệm giải trình. Nhiều dự án bị “treo” chỉ vì mỗi cấp chờ cấp trên quyết, hoặc vì nỗi sợ rủi ro pháp lý chưa được phân định rạch ròi.

Hạ tầng và năng lượng là nền móng

Không thể có tăng trưởng hai con số nếu hạ tầng vẫn dậm chân tại chỗ. Các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, đường sắt tốc độ cao, các tuyến giao thông liên kết vùng cần được triển khai với tốc độ cao và cơ chế huy động vốn rõ ràng, minh bạch, đủ hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân. 

Về năng lượng, Việt Nam cần khẩn trương cơ cấu lại thị trường điện, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đồng thời tháo gỡ các “nút thắt” về truyền tải, đấu nối và giá điện. Một hệ thống năng lượng ổn định, giá hợp lý là điều kiện không thể thiếu cho sản xuất và đầu tư. 

Hai đô thị lớn – Hà Nội và TP.HCM – cũng cần bứt phá về giao thông đô thị. Việc mất tới hơn một thập kỷ để hoàn thành các tuyến metro đầu tiên là bài học đắt giá về chậm trễ, cần rút ra để không lặp lại trong tương lai. 

w tphcm nguyen hue 34 27263.jpg
TP.HCM có thể vươn lên thành siêu đô thị kết nối các địa phương vệ tinh. Ảnh: Nguyễn Huế

Không gian phát triển mới từ sáp nhập tỉnh

Việc tổ chức lại địa giới hành chính không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, mà còn là cơ hội để mở ra các không gian phát triển mới. Sáp nhập tỉnh không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn tạo điều kiện hình thành các cực tăng trưởng, thúc đẩy liên kết vùng và phát huy lợi thế địa phương sau hợp nhất. 

TP.HCM có thể vươn lên thành siêu đô thị kết nối các địa phương vệ tinh, trong khi các tỉnh đồng bằng – miền núi sau sáp nhập có thể cộng hưởng hạ tầng, nhân lực và chính sách, tạo nên xung lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn. 

Đồng hành cùng doanh nghiệp, hút “đại bàng” làm tổ

Một nền kinh tế hiện đại không thể thiếu vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và FDI. Muốn tăng trưởng bền vững, Việt Nam phải xây dựng các hệ sinh thái mà trong đó doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, lan tỏa chuẩn mực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Thay vì các chính sách “mời gọi” chung chung, cần có cơ chế ưu đãi cạnh tranh thực sự để thu hút những nhà đầu tư chiến lược – những “đại bàng” có công nghệ lõi và khả năng tạo lan tỏa. Đồng thời, phải khuyến khích các doanh nghiệp Việt vươn lên làm chủ chuỗi giá trị, làm bệ đỡ nội lực cho nền kinh tế. 

Tăng trưởng cao là bắt buộc

Việt Nam đã có mức tăng trưởng trung bình 6,4% trong hai thập kỷ qua. Nhưng như Phó Thủ tướng cảnh báo, nếu không cải cách mạnh mẽ, không có “tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế mới”, chúng ta sẽ khó vươn lên mức thu nhập cao.

“Mục tiêu thì cao, tình hình thì khó khăn, khôn lường” – ông nói. Nhưng cũng chính vì vậy, càng phải hành động quyết liệt, tháo gỡ ngay những vướng mắc đang trói chặt tiềm lực phát triển. Những dòng vốn bị “chôn chân”, những dự án bị treo, những thủ tục đang cản trở – nếu được khơi thông – sẽ là cú huých mang tính quyết định cho tăng trưởng bứt phá.

GDP tăng ngược chiều gióTrong bối cảnh kinh tế toàn cầu chao đảo vì bất ổn địa chính trị, xung đột thương mại và chính sách tiền tệ thắt chặt, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi.