Liên quan đến việc điều chỉnh bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020, tức bảng giá đất hiện hành, Sở TN-MT TPHCM đã báo cáo Bộ TN-MT về nội dung và cách thức thực hiện.
Theo Sở TN-MT, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 có quy định, bảng giá đất áp dụng cho 12 trường hợp để thực hiện thủ tục hành chính. Trong đó, có giá đất bố trí tái định cư.
Luật Đất đai mới cũng quy định, bảng giá đất hiện hành được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình giá đất thực tế tại địa phương.
Đối chiếu với quy định trên, từ ngày 1/8/2024 đến hết ngày 31/12/2025, TPHCM sẽ tiếp tục áp dụng bảng giá đất hiện hành hoặc điều chỉnh bảng giá đất này cho phù hợp với giá đất thực tế trên địa bàn TP.
Nếu điều chỉnh bảng giá đất, Sở TN-MT TPHCM cho rằng, việc định giá phải đảm bảo nguyên tắc thị trường theo quy định của Luật Đất đai năm 2024. Khi đó, bảng giá sẽ không bị giới hạn bởi khung giá và không áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) được ban hành hàng năm như trước đây.
Trước tình hình đó, Ban Cán sự đảng đã thống nhất, chỉ đạo UBND TPHCM giao Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành và địa phương phân tích các phương án điều chỉnh bảng giá đất. Có 4 phương án được đưa ra.
Phương án 1: Giữ nguyên, không điều chỉnh bảng giá đất. Hạn chế của phương án này là giá đất bị giới hạn bởi khung giá nên giá tối đa tại đô thị loại đặc biệt như TPHCM chỉ 162 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, giá đất giao dịch thực tế trên thị trường lại cao hơn nên khi xây dựng bảng giá phải cân chỉnh giảm lại. Điều này dẫn đến giá đất tại bảng giá rất thấp, chưa tiệm cận giá thị trường.
Nếu giữ nguyên bảng giá hiện hành sẽ có sự chênh lệch lớn với giá bồi thường thực tế đã được duyệt. Ví dụ như giá đất tại bảng giá hiện hành trên đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức là 4,2 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá bồi thường thực tế là 73 triệu đồng/m2.
Giữ nguyên bảng giá hiện hành cũng sẽ dẫn đến không công bằng với các đối tượng sử dụng đất. Đơn cử như giá đất bố trí tái định cư tại TP Thủ Đức cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3 là 51 triệu đồng/m2, trong khi giá tại bảng giá đất chỉ 1,5 triệu đồng/m2.
Phương án 2: Điều chỉnh theo hướng lấy giá tại bảng giá đất hiện hành nhân với hệ số K mới nhất. Kết quả vẫn chênh lệch với giá đất bồi thường thực tế rất lớn. Bên cạnh đó, sẽ không công bằng với các trường hợp đã bố trí tái định cư trước đây.
Phương án 3: Để giải quyết tình trạng thiếu giá đất tái định cư, tại các tuyến đường dự kiến bố trí tái định cư thì điều chỉnh giá đất theo giá thực tế. Đối với các tuyến đường đã thể hiện trong bảng giá hiện hành, giá đất được tính bằng cách lấy giá nhân với hệ số K.
Nếu tính giá đất của các tuyến đường đã thể hiện trong bảng giá hiện hành bằng cách lấy giá nhân với hệ số K sẽ có những hạn chế như phương án 2. Còn việc điều chỉnh giá đất tại các tuyến đường dự kiến bố trí tái định cư theo giá thực tế sẽ dẫn đến trên cùng một tuyến đường hoặc 2 khu dân cư giáp ranh có 2 mức giá chênh lệch nhau rất lớn, dù điều kiện cơ sở hạ tầng như nhau.
Ngoài ra, sẽ có sự không công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất. Trước đây, giá đất tái định cư được xác định theo giá thị trường nhưng từ nay phải căn cứ vào bảng giá đất.
Phương án 4: Điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại TPHCM. Đây là phương án được TPHCM chọn để xây dựng dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất.
Cơ sở dữ liệu về giá đất của phương án này được chọn lọc từ các nguồn như: Giá đất bồi thường, giá cụ thể đã được các địa phương phê duyệt, giá chuyển nhượng thực tế từ các cơ quan đăng ký đất đai và chi cục Thuế.
Theo Sở TN-MT TPHCM, căn cứ Nghị định số 71/2024, Sở thực hiện điều chỉnh bảng giá đất theo trình tự 7 bước: Lựa chọn tổ chức định giá; điều chỉnh giá đất; lấy ý kiến dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất; trình hội đồng thẩm định; Sở tiếp thu, giải trình, hoàn thiện và sau đó trình UBND TP quyết định.