Vừa qua, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Pa và Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (ở xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) tổ chức Mô hình truyền thông giới thiệu sách thuộc Dự án 8:  “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.

sách bình đẳng giới.jpg
Những cuốn sách sẽ giúp các em học sinh có thể nhận ra hủ tục, tập tục lạc hậu, các khuôn mẫu giới ở nơi mình đang sống.

Mục đích nhằm giới thiệu bộ sách “Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới” gồm 4 cuốn: Em muốn được tới trường; Nhà hai nóc; Việc nhà là của chung; Thì ra mình cũng làm được.

Phát biểu khai mạc buổi toạ đàm, ông Bùi Đức Thiện, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn bày tỏ mong muốn “buổi truyền thông giới thiệu sách sẽ thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bàn tình trạng bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ia Rsươm nói riêng và huyện Krông Pa nói chung”.  

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã giới thiệu và hướng dẫn sử dụng bộ sách “Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới”. Đồng thời đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trao tặng tủ sách trị giá 15 triệu đồng cho Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn.

Tham gia chương trình giao lưu, bà Nguyễn Thị Bích Hậu, nhà báo, tác giả viết sách đã chia sẻ với học sinh của Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn về ước mơ, hành trình đạt được ước mơ, và không gian đọc sách. Nhấn mạnh màu hồng không chỉ dành cho con gái, diễn giả Bích Hậu gợi mở nhiều câu chuyện về giới tính, bí mật giới tính, qua đó gửi gắm nhiều nội dung, thông điệp về bình đẳng giới và bất bình đẳng giới.            

Từ  câu chuyện về văn minh lúa nước và văn minh nương rẫy, ông Văn Công Hùng, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn học nghệ thuật Gia Lai, dẫn dắt câu chuyện về đọc sách và hành trình đọc sách, không chỉ sách văn học mà cả các đầu sách về lịch sử, khoa học, đời sống,…mang lại nhiều kiến thức bổ ích. Với 42 năm sống ở Tây Nguyên cũng như từng có thời gian công tác tại Krông Pa, nhà văn Văn Công Hùng cung cấp cho các em học sinh khá nhiều thông tin hay về chế độ mẫu hệ cũng như vấn đề bình đẳng giới tại địa phương. 

Với kinh nghiệm hơn 35 năm dạy học, bà Hoàng Thị Thu Hiền, người sáng lập Dự án Sách hay cho học sinh tiểu học kể câu chuyện sách tốt, sách xấu, luận bàn vấn đề bạn bè tuổi dậy thì và câu chuyện bạn khác giới, lồng ghép giáo dục giới tính cho các em học sinh bằng ví dụ sinh động, vui vẻ, phù hợp với học sinh. 

Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn là trường đầu tiên trong huyện Krông Pa xây dựng Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” - một trong những mô hình sinh hoạt tuyên truyền của Dự án 8. “Chúng tôi hy vọng rằng những chia sẻ từ các chuyên gia về các đầu sách, những kinh nghiệm về giới và bình đẳng giới sẽ giúp các em học sinh có thể nhận ra các hủ tục, tập tục lạc hậu, các khuôn mẫu giới ở nơi mình đang sống. Từ đó, góp phần thay đổi cách nghĩ cách làm cho đồng bào dân tộc miền núi. Chúng tôi hy vọng mỗi em học sinh ở đây sẽ đều là “Thủ lĩnh của sự thay đổi” để thay đổi chính mình trong học tập, rèn luyện và giúp xây dựng quê hương mình ngày càng văn minh, giàu đẹp”, đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho hay.

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, nằm trong Chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2022.

Đối tượng của dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Dự án 8 được triển khai tại các tỉnh thành gồm xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc khu vực II, I (xã chưa được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành Chương trình 135); xã biên giới được xác định theo các văn bản của cấp có thẩm quyền.

Với vai trò là một nhà xuất bản trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam triển khai mô hình xuất bản sách với series 4 cuốn Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới.

Hồng Hạnh và nhóm PV, BTV