Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục
Một trong những thành tựu, tiến bộ cộng đồng quốc tế ấn tượng về Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực chính là công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân. Thành công này được chứng minh rõ nét hơn qua những con số thống kê.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố vào tháng 2 đầu năm, tổng số hộ nghèo của cả nước là trên 609 nghìn hộ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn ở mức 2,23%; tổng số hộ cận nghèo là hơn 850,2 nghìn hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo: 3,11%.
Còn theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục trong giai đoạn 2016-2021, trung bình mỗi năm giảm khoảng 1 điểm phần trăm. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều là 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020.
Tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới
Việt Nam cũng đã tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới trên thế giới khi là một trong những quốc gia đầu tiên thông qua Công ước về cấm mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ cách đây hơn 40 năm và sau đó là Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995. Nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam đã được ghi nhận, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng.
Trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 đồng chí nữ, chiếm tỷ lệ 9,5%. Quốc hội khóa XV được bầu ra ngày 23/5/2021 có 151/499 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%, là mức tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Đây là lần thứ hai số nữ đại biểu Quốc hội của nước ta đạt trên 30% và tỷ lệ trên đưa Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỷ lệ nữ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh là 16%, HĐND cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ… Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%. Sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
Thành tựu về bình đẳng giới ở Việt Nam còn được thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.
Với những kết quả trên, Việt Nam cải thiện thứ hạng trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới. Đứng thứ 51 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội; đứng thứ 83/146 quốc gia trong bảng xếp hạng về bình đẳng giới toàn cầu năm 2022, tăng 4 bậc so với năm 2021 (xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.
Năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu. Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong nhóm 10 quốc gia đứng đầu về tỉ lệ này.
Những thành tựu này là động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, và góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Quang Ninh, Ngọc Ánh, Trần Ninh