Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất

Có trên 80.000 ha cây ăn quả các loại, đứng đầu các tỉnh phía Bắc và thứ 2 cả nước, sản phẩm nông sản tươi, nông sản chế biến đa dạng, Sơn La xác định chuyển đổi số là "chìa khóa" phát triển bền vững ngành nông nghiệp. 

Sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện chuyển đổi số, đến tháng 9/2022, tỉnh này đã thành lập 1.459 tổ chuyển đổi số cộng đồng với 8.966 thành viên. 

Trong đó, có 204 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã và 1.255 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp tổ, bản, tiểu khu ở 12 huyện, thành phố.

Có trên 80.000 ha cây ăn quả các loại, Sơn La đứng đầu các tỉnh phía Bắc và thứ 2 cả nước.

Đến nay, tỉnh Sơn La đã có hơn 33.000 hộ sản xuất nông nghiệp tại các huyện, thành được đào tạo kỹ năng số và hơn 35 nghìn hộ được tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử. 

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Sơn La chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên, nông dân thấy rõ được lợi ích của chuyển đổi số. 

Bên cạnh đó, các cấp hội cũng huy động nhiều nguồn lực để tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ số; đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ xây dựng các mô hình, điểm sản xuất ứng dụng công nghệ số. 

Từ đó nhân ra diện rộng, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ hội viên, nông dân nghèo mua, lắp đặt các thiết bị ứng dụng công nghệ số.

Nhiều người sản xuất cũng thừa nhận chính nhờ những ứng dụng công nghệ số, họ đã tìm kiếm và tích lũy được rất nhiều thông tin như cách lựa chọn những giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương; biết được thị trường đang cần những loại nông sản gì, bán ở thời điểm nào được giá nhất.

Người sản xuất cũng nắm được nhiều kỹ thuật chiết ghép cây, tỉa cành, lai tạo những giống cây chín sớm, chín muộn, cách kích hoa, thụ phấn, hãm quả, khi nào bón phân cho cây hiệu quả nhất. 

Những kiến thức, kinh nghiệm này đã giúp các nông dân, hộ sản xuất vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Những “quả ngọt” từ chuyển đổi số trong nông nghiệp

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau hơn một năm triển khai, đến nay, chương trình chuyển đổi số của Sơn La đã đạt được những kết quả khả quan.

Trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai Kế hoạch về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025. 

Sản phẩm nông sản Sơn La được đăng bán trên các sàn thương mại điện tử.

Đến nay, đã hỗ trợ 12.753 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử Postmart, trong đó số hộ đăng ký tài khoản người mua hàng là 12.609 hộ và số hộ đăng ký tài khoản người bán hàng 144 hộ.

Cũng trong năm 2022, tỉnh này đã hỗ trợ các hộ dân đưa 413 sản phẩm; hỗ trợ 26 hợp tác xã thực hiện đưa 108 sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương lên sàn Postmart.vn.

Trong đó, có 59 sản phẩm OCOP; xây dựng chợ 4.0 gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm. Người dân từng bước làm quen tiến tới mua sắm không dùng tiền mặt, định hình các sản phẩm OCOP của tỉnh…

Điển hình là gia đình ông Hoàng Văn Chất ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La). Họ có hơn 4 ha trồng các loại cam, 2ha cà phê trồng xen cam, bưởi, bơ... Hàng năm gia đình cung cấp ra thị trường hàng chục tấn quả có múi, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Hoàng Văn Chất chia sẻ, cùng với áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, gia đình còn ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm.

Cụ thể, trước khi thu hoạch 1 - 2 tháng, họ đã chụp hình gửi qua zalo cho các đầu mối, liên hệ các điểm thu hoạch... đẩy mạnh, nhanh việc tiêu thụ. 

Như vậy việc chuyển đổi số đã thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh; giảm chi phí sản xuất, kết nối thị trường thuận tiện, nhanh chóng. 

Chuyển đổi số cũng góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân - một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Trang Trang