Theo báo cáo của tỉnh Hậu Giang, năm 2022, toàn tỉnh đã có 37/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 3 xã so với cuối năm 2021 và đạt 100% so với Nghị quyết HĐND tỉnh. Các xã được đạt chuẩn NTM đều đạt bình quân 17,5 tiêu chí/xã.

Năm nay, tỉnh đã công nhận mới xã Long Trị A và Thuận Hưng đạt chuẩn NTM nâng cao. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 7 xã được công nhận NTM nâng cao. Dự kiến đến cuối năm công nhận thêm 1 xã.

Riêng về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh có 105 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (gồm 48 sản phẩm đạt 4 sao và 57 sản phẩm đạt 3 sao). Đến cuối năm nay, ước công nhận ít nhất 40 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số lên 145 sản phẩm OCOP; đồng thời hoàn thiện 5 hồ sơ dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.

Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng OCOP tỉnh, hầu hết các sản phẩm OCOP đều được quan tâm về chất lượng, mẫu mã, đồng thời trên bao bì sản phẩm đều có mã QR Code để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, sản phẩm OCOP của tỉnh có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn như: Bách hóa xanh, Co.opMart, Winmart…

Ngoài ra, một số sản phẩm trái cây được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như EU, Hong Kong và sản phẩm từ cá thát lát cũng gián tiếp xuất qua thị trường một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan...

Hậu Giang xác định đẩy mạnh nông nghiệp giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Thạch Thảo)

Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu năm 2023 tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của dân cư nông thôn. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng đối với các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và huyện đạt chuẩn NTM, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Năm 2023, tỉnh Hậu Giang phấn đấu công nhận thêm 3 xã NTM, công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 12 xã. Công nhận mới 2 xã NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, phấn đấu có thêm 40 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh; phấn đấu 5 hồ sơ đăng ký dự thi sản phẩm OCOP Trung ương.

Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh này sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM.

Cụ thể, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng NTM đến cơ sở; phát động phong trào thi đua "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" và phong trào "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch"; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng NTM.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh, một trong những giải pháp căn cơ mà tỉnh tập trung là đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao mức sống của người dân nông thôn. 

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên cơ sở tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông minh vào các khâu sản xuất, nhằm tăng chất lượng, sức cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, để chương trình trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn. 

Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, kết hợp chuyển dịch dần lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các khu vực kinh tế khác.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về xây dựng NTM và Chương trình OCOP; tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM, ông cho hay.

B. Hân