Ngày 31/5, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng trước việc người lao động mất việc hàng loạt do doanh nghiệp khó khăn.

Áp lực mất việc làm

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đề cập đến tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động.

“Mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất, bởi lẽ khi đó người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và những người phụ thuộc như trẻ em hay người già không còn sức lao động”, nữ đại biểu tỉnh Hải Dương lo ngại.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung

Theo bà Dung, khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, họ còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần, có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội, như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội.

“Trong tình huống đó, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, nếu họ không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, nếu trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao, ngừng việc và đình công có xảy ra hay không? Liệu rằng Chính phủ đã dự liệu giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa”, đại biểu Dung đặt vấn đề.

Đại biểu cho rằng, thời điểm này, người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ nên nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu thực tế thất nghiệp ở nhóm lực lượng lao động thanh niên luôn ở mức cao, chiếm tỷ lệ 7,61% và đáng lưu ý là trong quý I/2023, số lao động mất việc tăng lên và cả nước có gần 149.000 lao động bị mất việc, tăng gần 13% so với cùng kỳ.

Tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp tăng và nguy cơ mất việc làm của số lao động trẻ lại cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.

“Vấn đề đặt ra là vì sao trong bối cảnh bị mất việc làm nhưng nhiều lao động lại không quay trở lại thị trường tham gia ứng tuyển việc làm mới, vì sao các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lại không thu hút được người lao động?”, đại biểu băn khoăn.

Kích hoạt nền kinh tế 

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) đề nghị sử dụng tồn dư ngân quỹ của nhà nước gửi hệ thống ngân hàng 1 triệu tỷ đồng sử dụng linh hoạt bố trí ngay, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm.

Hoặc có thể sử dụng nguồn vốn này xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.

“Tôi nghĩ rằng nguồn lực này có thể giải quyết ngay để có những giải pháp kích hoạt nền kinh tế và đưa lượng tiền chưa sử dụng vào nền kinh tế sẽ ổn định hơn, kích cầu thay vì thực hiện những giải pháp hiện nay”, đại biểu phân tích và đề nghị bổ sung giải pháp này để kích cầu ngay cho nền kinh tế.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) 

Bên cạnh đó, đại biểu TP.HCM cho rằng, các gói hỗ trợ của Chính phủ, room tín dụng, tăng trưởng tín dụng hiện nay còn thấp, chậm. Năm đối tượng ưu tiên được ưu đãi về tín dụng thì các doanh nghiệp trong đối tượng này chưa cảm nhận được sự hỗ trợ của chính sách.

Chính sách hỗ trợ đưa vào nền kinh tế có độ trễ nhất định, muốn đưa nhanh thì thủ tục phải rút gọn hơn. Trong khi thủ tục hiện nay yêu cầu tài sản đảm bảo đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì rất khó.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần phải có phương án khác, ví dụ thay thế bằng dự án khả thi, có thể cấp tín dụng ưu đãi cho những đối tượng này và có thể xem xét, mở rộng thêm các đối tượng khác để có độ phủ và mức độ tăng tín dụng tốt hơn.