Xem lại bài 1: Đất và người giàu, người nghèo

Xem lại bài 2: Những rào cản đất đai

Chủ trương đúng đắn

Trước hết, cần khẳng định chủ trương trên là cực kỳ đúng đắn, xác đáng và kịp thời.

Đất đai là nguồn lực lớn nhất của nền kinh tế nhưng tình trạng để hoang hóa, cỏ dại mọc lút đầu hàng chục năm trời diễn ra khá phổ biến ở không ít thành phố trong khi chỉ ngay bên cạnh, doanh nghiệp và người dân không có đất để sản xuất, kinh doanh, thậm chí sinh sống.

Trong một bài viết gần đây, VietNamNet từng nhắc lại chuyện chỉ trong hơn nửa đầu năm 2008, trước khi Hà Nội chính thức mở rộng, 11.800ha đất đã được giao cho hàng trăm dự án, tương đương diện tích của 5 năm trước đó cộng lại. Từ đó đến nay, hàng trăm dự án cũng đã được cấp thêm nhưng không được triển khai, lãng phí nguồn lực của Thủ đô.

Nhiều căn biệt thự bỏ hoang ở khu đô thị Hà Phong (Mê Linh, Hà Nội)

Cuối tháng 4 vừa rồi, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Các cơ quan hữu quan của Hà Nội đã xác định có hơn 400 dự án chậm tiến độ cần thanh tra, kiểm tra để đề ra biện pháp xử lý, thậm chí thu hồi.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong vai trò đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra sốt ruột với tình trạng này ở TP.HCM. Trong đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cuối tháng 12/2021, ông nói: "Kiên quyết thu hồi quy hoạch treo, những dự án treo quá thời hạn quy định mà không triển khai. Có dự án 18, 20 năm chưa triển khai, người dân than phiền. Dự án đánh trống ghi tên nhưng để người dân chờ đợi mãi". 

Biết bao nhiêu lô đất quy ra hàng trăm, hàng ngàn tỷ đô đã có chủ trên khắp đất nước được quây tôn, đắp chiếu; hàng ngàn căn biệt thự để rêu phong, hoang hóa.

Nguồn lực lớn nhất của đất nước không thể được vốn hóa, bị phung phí, thất thoát, cả Nhà nước và người dân đều thiệt. Ví dụ, thu thuế đất chỉ chiếm khoảng 0,07% GDP, thấp hơn gần 10 lần so với mức trung bình ở các nước đang phát triển và thấp hơn 30 lần so với các nước OECD, trích số liệu từ văn kiện Đại hội 13.

Thực tiễn lại quá đa dạng

Tuy nhiên, để thể chế hóa chủ trương trên, còn không ít việc phải làm, chẳng hạn phải minh định thế nào là đầu cơ, thế nào là đầu tư.

Ví dụ, một doanh nghiệp mua một mảnh đất để phục vụ kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 5 năm, 10 năm tới thì được coi là đầu tư dài hạn, hay bị quy là đầu cơ? Rồi chẳng hạn, doanh nghiệp đó 5 năm sau thấy cần bán mảnh đất đó đi để lấy tiền đầu tư cho dự án khác thì sao?

Theo quy định luật pháp hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần xây dựng hàng rào, thậm chí quây tôn, là được coi là có hoạt động đầu tư nên nhà nước khó có thể thu hồi.

Luật Đất đai sửa đổi cần thiết kế theo hướng thị trường hóa các thị trường nhân tố sản xuất, trong đó có đất đai. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong khi đó, người dân mua đất như là kênh để giữ tài sản có được coi là hợp pháp hay không? Đây là điều rất chính đáng trong bối cảnh lạm phát từng tăng cao. Người ta tính toán rằng, từ năm 2000 đến 2020, tỷ giá VND/USD chỉ tăng 1,6 lần, giá vàng tính bằng VND tăng khoảng 11 lần, còn giá đất tăng 20 lần.

Tại hội nghị Trung ương 5, Trung ương đã thống nhất cao về việc ban hành nghị quyết mới về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

‘Món nợ’ đất đai và tạo vốn cho phát triển

Hi vọng về một “luật Đất đai mới” sẽ cởi trói cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế được các sai phạm truyền thống về đất đai để mang lại niềm tin và động lực mới cho phát triển.

Xem ngay

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong việc quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới đặt ra của thực tiễn. Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có chính sách phù hợp đối với đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai.

Từ yêu cầu trên và thực tiễn, luật Đất đai sửa đổi tới đây cần làm rõ nội hàm của khái niệm “đầu cơ”, “đầu tư” để vừa  hạn chế được tình trạng đất đai bị để hoang, lãng phí, lại vừa không đưa ra các quy định siết chặt thị trường này.

Dự án luật Đất đai sửa đổi đã được lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 mà lý do, theo các nhà phân tích, để luật pháp tiếp thu, hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng.

Luật pháp, chính sách quản lý đất đai vẫn còn lạc hậu, dù đã được sửa đổi, bổ sung 5 lần nhưng vẫn không theo kịp với cải cách kinh tế và đòi hỏi cuộc sống. Mà riêng luật Đất đai chưa chắc đã giải quyết được những nút thắt này và khả năng đánh thuế tài sản, thuế lũy tiến đối với đất đai ngày càng bị lùi xa.

Nhưng dù gì thì gì, cần tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong khi vẫn cần bảo vệ được quyền tài sản của công dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, luật Đất đai sửa đổi cần thiết kế theo hướng thị trường hóa các thị trường nhân tố sản xuất, trong đó có đất đai, mà Văn kiện Đại hội 13 đã xác định như là một giải pháp quan trọng để phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Tư Giang

Hà Nội sẽ rà soát, thu hồi dự án bất động sản 'quây tôn'Để Hà Nội cất cánh, trước hết cần dỡ bỏ các rào cản, di chuyển các chướng ngại vật đang nằm la liệt trên đường băng.