Chiều 24/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - VAT (sửa đổi). Một trong những nội dung nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là quy định đánh thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón.

Nói đánh thuế để giá giảm là không thuyết phục

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc việc bổ sung đối tượng áp thuế suất 5% với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mủ cao su, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển và các loại máy móc chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bởi quy định này sẽ làm tăng phí, chi phí đầu vào và tăng giá thành sản phẩm, gánh nặng cho nông dân. 

PhamVanHoa 01.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: QH

“Nếu chúng ta tăng thuế suất 5% sẽ ảnh hưởng đến những người nông dân và chắc chắn khi đi tiếp xúc cử tri, dân sẽ tiếp tục phản ánh tại sao Nhà nước phải tăng thuế. Tăng thuế 5% thì đương nhiên phân bón phải tăng theo”, ông Hòa nói. Đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị không tăng thuế và nếu có tăng thì phải thấp hơn 5%. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng tỏ ra băn khoăn về lý giải của cơ quan soạn thảo. Ông phân tích: “Lập luận nói rằng đánh thuế để giá giảm xuống là không thuyết phục. Bởi vì, ngay báo cáo đánh giá của Bộ Tài chính chỉ ra từ tháng 1/2015, sau khi áp thuế 0% thì lập tức giá phân bón giảm xuống liên tục”.

Đại biểu Cường thông tin thêm, đến tận năm 2018, giá phân bón bắt đầu mới tăng lên do nhà máy phân đạm Phú Mỹ không hoạt động hết công suất. Đến năm 2022, giá phân bón tăng rất nhiều là do cuộc xung đột Nga - Ukraine.

“Do vậy, không thể nói rằng chúng ta tăng thuế mà lại có khả năng giảm giá, không thể nói tăng thuế như thế là bà con nông dân được hưởng lợi”, đại biểu Hoàng Văn Cường phản biện.

Ông dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho rằng, không có thuế, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ khoảng 1.500 tỷ đồng. Nếu như có thuế 5% sẽ thu được khoảng 5.700 tỷ và để bù trừ cho các doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ, ngân sách sẽ còn thu lãi khoảng 4.200 tỷ. 

“Vậy hỏi rằng 4.200 tỷ ngân sách thu và 1.500 tỷ bù đắp cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón lấy ở đâu ra? Rõ ràng tiền này lấy từ nông dân, bà con phải trả tiền nhiều hơn. Điều này thể hiện bất hợp lý”, đại biểu Cường phân tích.

Đại biểu đề nghị không thể bắt nông dân cũng như không thể bắt doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chịu thuế đầu vào mà nên áp dụng thuế phân bón là 0% và các doanh nghiệp sản xuất phân bón được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Cần đánh giá kỹ tác động 

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị không nên tính đến chuyện tăng thu bằng việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng. 

Nếu muốn tăng thu ngân sách, ông Cường đề nghị nên tính đến 2 sắc thuế rất cần thiết.

Một là, thuế tài sản có khả năng huy động rất lớn cho ngân sách, đồng thời có vai trò điều tiết rất lớn đến việc chiếm hữu các tài sản.

“Đặc biệt là chúng ta vừa thông qua Luật Đất đai, giá đất được xác định theo nguyên tắc thị trường. Nếu chúng ta không sớm có sắc thuế này có thể sẽ đẩy tình trạng đầu cơ về tài sản lên”, đại biểu cảnh báo. 

Hai là thuế bảo vệ môi trường. Đây cũng là một loại thuế cần sớm ban hành để điều tiết những hành vi gây ô nhiễm và xâm hại môi trường, đồng thời khuyến khích xu hướng chuyển đổi xanh.

Cùng quan tâm, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ 3 nội dung.

Đó là cần có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất 5%.

tranquoctuan.jpg
Đại biểu Trần Quốc Tuấn. Ảnh: QH

Theo đại biểu, cần có đánh giá nhìn từ góc độ tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón phục vụ cho phát triển nông nghiệp và tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Đồng thời, xem xét cả khía cạnh hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, để từ đó Quốc hội xem xét, cân nhắc một cách thận trọng trước khi biểu quyết thông qua. 

“Chúng ta không thể nhìn từ góc độ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước mà bỏ qua tác động ảnh hưởng đến quyền lợi của người nông dân sử dụng phân bón. Chúng ta cũng không thể chắc chắn khi áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ có cơ hội giảm giá bán như báo cáo của Hiệp hội Phân bón”, đại biểu Trần Quốc Tuấn lưu ý.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị không tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón nhưng bổ sung doanh nghiệp sản xuất trong nước là đối tượng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Tạo nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay sản lượng của phân bón sản xuất trong nước là 73,3%, còn nhập khẩu là 26,7%, tức là khoảng 4 triệu tấn/năm.

“Chúng tôi quy định như hiện nay đối với doanh nghiệp là không bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu”, Bộ trưởng giải thích.

HoDucPhoc 1.jpg
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH

Ông Phớc cho rằng, việc hoàn thuế sẽ tạo một nguồn lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và phát triển một cách bền vững.

“Nếu tính hoàn thuế cho doanh nghiệp 1.500 tỷ đồng, như vậy còn 4.200 tỷ đánh giá tác động với 9,1 triệu dân, chúng tôi cũng tính toán là mỗi hộ nông dân một năm trả thêm 461.000 đồng, một tháng trả 38.000 đồng”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Ngoài ra, ông Phớc cho rằng, giá mặt hàng nông nghiệp cũng không hẳn là do trừ thuế mà có thể tác động bởi cung - cầu. Nếu nguồn cung tăng lên thì giá sẽ hạ, nguồn cung thấp thì giá sẽ cao. 

“Vấn đề này chúng tôi sẽ xin ý kiến của các hội cũng như đại biểu Quốc hội một lần nữa và sẽ tiếp thu vào cuối kỳ”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.