Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Đánh thuế phân bón 5%, nông dân sẽ bị gánh giá cao

Góp ý dự Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc ban soạn thảo cần xem xét, việc đưa thuế phân bón, máy móc nông nghiệp lên 5% đã hợp lý chưa?

Việc đưa mức thuế lên 5% giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này được khấu trừ, từ đó giúp giảm chi phí đầu vào là không thuyết phục.

Theo ông Cường, bởi các mặt hàng này đang được bán với mức giá không chịu thuế, sau này khi có thuế thì giá phân bón sẽ cao hơn, không thể thấp hơn. Cho nên không có chuyện thu thuế mà giá lại giảm đi.

W-Hoàng Văn Cường.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hà

Bên cạnh đó, phân bón sản xuất trong nước mới chiếm 70%, còn 30% phải nhập khẩu. Nếu VAT là 5%, giá phân bón nhập khẩu sẽ phải cao hơn giá bán hiện nay. Điều này có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu và khuyến khích doanh nghiệp trong nước được miễn giảm thuế.

“Tôi cho rằng đây là tác động có lợi cho nhà đầu tư, nhưng về phía nông dân đương nhiên phải chịu thuế 5%. Bởi nếu không chịu thuế 5%, lấy đâu ra phần để doanh nghiệp được khấu trừ. Thực chất doanh nghiệp được khấu trừ, nhưng người chịu lại là nông dân”, ông Cường phân tích.

Từ đó, đại biểu đoàn Hà Nội lưu ý, quy định như dự thảo chưa thuyết phục, nhất là khi nước ta coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là bệ đỡ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, dự luật quy định mặt hàng này chuyển thành thuế suất 0% và cũng đưa vào diện được hoàn thuế. Như vậy, nếu như doanh nghiệp nào có chi phí đầu vào trên 300 triệu đồng thì được miễn giảm, giúp tránh đưa phần thiệt về phía nông dân.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc sửa đổi luật theo hướng tăng dần VAT cần hết sức cân nhắc. Bởi hiện nay, Nhà nước đang muốn phục hồi, thúc đẩy hoạt động sản xuất thì cần phải giảm thuế, nên nếu tăng VAT sẽ gây tác động ngược cho mục tiêu này.

Cải cách thuế là cần thiết nhưng không nhất thiết tăng VAT bởi dư địa đối với thuế ở nhiều lĩnh vực khác như thuế tài sản còn lớn.

“Hiện nay Nhà nước chưa thu được thuế tài sản, trong khi đây là loại thuế có thể điều tiết được thu nhập, điều tiết hoạt động của nhóm đối tượng khác nhau, nhất là người có thu nhập cao, có tài sản lớn. Tôi cho rằng cần hướng đến các nhóm chính sách đó”, đại biểu Hoàng Văn Cường đặt vấn đề.

W-HoDucPhoc01.jpg
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Hoàng Hà

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước đây khi chúng ta áp VAT với mặt hàng này, nhiều ý kiến từng cho rằng cần nâng giá phân bón lên, nên sau khi sửa thì bỏ ra.

Hiện nay đứng trước hai lựa chọn, nếu không đưa vào thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước khó khăn vì họ không được hoàn thuế đầu vào. Nhưng nếu đánh thuế với mặt hàng này thì ít nhiều sẽ khiến tăng giá.

“Việc này mong đại biểu Quốc hội nghiên cứu và thống nhất quyết định đảm bảo lợi ích đất nước, nông nghiệp phát triển bền vững”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Nên đánh thuế VAT hàng hóa nhập khẩu qua các sàn giao dịch điện tử

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) quan tâm đến các giao dịch nhỏ lẻ dưới 1 triệu đồng qua sàn giao dịch điện tử (Shopee, Lazada,...) đang nằm trong diện được miễn thuế xuất nhập khẩu và miễn thuế giá VAT. Hiện nay, các giao dịch này có số lượng vô cùng lớn.

“Tôi có hai người con trong lứa tuổi phổ thông trung học, mỗi ngày mua khoảng độ 7 - 10 gói hàng các loại với các giá 30.000, 50.000 đồng. Trong phạm vi một gia đình như vậy thì toàn hệ thống cả nước giao dịch lớn như thế nào”, ông Hùng đặt vấn đề.

Theo ông Hùng, mặc dù là giá trị từng đơn hàng bé nhưng số lượng giao dịch lại vô cùng lớn, đặc biệt là những hàng hóa qua biên giới nhập khẩu từ Trung Quốc hay Thái Lan mua bán qua sàn giao dịch điện tử rất nhiều.

Từ đó, đại biểu đoàn Cần Thơ đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định để có nguồn thu bền vững hơn từ các loại giao dịch này.

W-Nguyễn Mạnh Hùng   Cần Thơ.jpg
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ). Ảnh: Hoàng Hà

Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc miễn VAT với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ, trước đây khi thực hiện Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (1973) mà Việt Nam ký kết, luật quy định giá trị nhỏ tối thiểu thì không thu thuế hải quan và thuế khác.

Luật không quy định nhưng NĐ 134/2016 và Quyết định 78/2010 của Thủ tướng thì quy định thu thuế này. Tuy nhiên, hiện một số quốc gia đã bỏ.

"Chẳng hạn, EU bỏ miễn VAT với lô hàng dưới 22 euro, Anh bỏ quy định miễn VAT nhập khẩu có giá trị từ 135 bảng trở xuống từ 1/1/2021. Còn Thái Lan thu VAT 7% với tất cả hàng nhập khẩu, không phân biệt giá trị", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu thực tế ở một số nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dự thảo luật lần này bổ sung trách nhiệm người nộp, cơ quan thuế, cán bộ thuế và quy định rõ ràng, rạch ròi theo nguyên tắc “ai làm sai thì người đó chịu”, không thể doanh nghiệp làm sai, bắt công chức thuế phải chịu, và ngược lại.

Ông Hồ Đức Phớc nêu thực tế, dựa trên hồ sơ hoàn thuế, doanh nghiệp đưa hóa đơn giả vào, cơ quan thuế không thể kiểm tra tới nguồn gốc từng hóa đơn được, trong khi bị khống chế thời gian kiểm tra hồ sơ, hoàn thuế và hậu kiểm. Nên cuối cùng cán bộ thuế phải chịu hết trách nhiệm.

"Trước tình trạng gian lận hóa đơn để hoàn thuế, cơ quan công an khởi tố nhiều vụ, chúng tôi muốn rạch ròi để những người làm gian dối phải chịu trách nhiệm. Nếu cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ không đúng thì người kiểm tra phải chịu trách nhiệm, và người tạo ra tài liệu giả cũng phải chịu trách nhiệm. Điều này tránh mập mờ, người nọ đổ lỗi cho người kia”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và mong đại biểu Quốc hội ủng hộ quy định này để khi ban hành quy định của luật thì có độ dài trong thực hiện.