Hai xã biên giới Trường Sơn và Trường Xuân là địa bàn có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Ngày 17/2, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giúp 19 bản có đồng bào Bru-Vân Kiều (xã Trường Sơn 15 bản với 744 hộ/3.210 khẩu, xã Trường Xuân 4 bản với 256 hộ/872 khẩu).

anh 1.jpg
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng & phát triển quỹ đất cùng Huyện Đoàn Quảng Ninh chuẩn bị làm công trình nước sinh hoạt ở bản Dốc Mây. Ảnh: CTV.

Nhằm giúp đồng bào thay đổi nhận thức, tư duy, cách nghĩ, cách làm, Huyện uỷ Quảng Ninh đã phân công các phòng, ban và 13 xã trên địa bàn có kế hoạch giúp đỡ các bản thuộc hai xã biên giới chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2023 - 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2025 - 2030.

anh 2.jpg
Bà con bản Dốc Mây đã có nước sạch để sử dụng. Ảnh: CTV.
anh 3.jpg
Xã Hàm Ninh và Hội Nông dân huyện cùng người dân bản Ploang trồng cây ăn quả. Ảnh: CTV.

“Kết quả đạt được phải bằng định lượng, sản phẩm, phải sờ được, đếm được, không chung chung”, ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh cho biết.

Qua triển khai, đã có nhiều cách làm hay như đón các hộ dân người Bru-Vân Kiều về học tập các mô hình phát triển kinh tế, xây mới nhà vệ sinh. Hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ thực hiện mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế. Đầu tư, xây dựng công trình cấp nước sạch giúp bà con có nước sạch để dùng…

Sau hơn nửa năm thực hiện, nhiều công trình phúc lợi xã hội được làm mới, giúp đồng bào dân tộc thay đổi tư duy nhận thức, gắn kết tình cảm miền xuôi với miền ngược. Từ đó thu hút được đông đảo cán bộ và người dân tham gia trên cơ sở tự nguyện, có sự đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, đưa phong trào thi đua phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Do được tham gia trực tiếp vào hầu hết công việc nên đồng bào Bru-Vân Kiều dần hiểu được mục đích, yêu cầu nên đã thay đổi nhận thức trong sản xuất và dần xóa bỏ các hủ tục cũ, lạc hậu, không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại như trước đây.

Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Quảng Ninh đã giúp 19 bản với số tiền gần 1,5 tỷ đồng từ nguồn lực của cơ quan, đơn vị và huy động từ công tác xã hội hoá.

anh 4.jpg
Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Mặt trận Tổ quốc huyện bàn giao lợn giống, hỗ trợ 30% thức ăn, 30% thuốc thú ý cho vụ nuôi đầu tiên cho bà con bản Hôi Rấy. Ảnh: CTV.
anh 5.jpg
Bà con bản Hôi Rấy phấn khởi nhận lợn giống. Ảnh: CTV
anh 6.jpg
Xã Vạn Ninh đón một số hộ dân về học tập các mô hình phát triển kinh tế và xây dựng nhà vệ sinh cho một số hộ dân ở xã Thượng Sơn. Ảnh: CTV
anh 7.jpg
Xã Hải Ninh hỗ trợ lợn sinh sản cho hộ nghèo ở bản Khe Ngang. Ảnh: CTV.
anh 8.jpg
Trẻ em bản Sắt vui sướng được xã Tân Ninh tổ chức Trung thu. Ảnh: CTV.
anh 9.jpg
Học sinh bản Bến Đường được nhận xe đạp mới từ người dân xã Vĩnh Ninh trao tặng. Ảnh: CTV.
anh 10.jpg
Người dân bản Cổ Tràng phấn khởi nhận quà nhu yếu phẩm từ bà con xã An Ninh. Ảnh: CTV.
anh 11.jpg
Ngoài các suất quà ý nghĩa, xã Lương Ninh còn hỗ trợ bà con bản Đá Chát tiêu thụ mật ong nuôi. Ảnh: CTV.

anh 12.jpg
Xã Hiền Ninh giúp bản Chân Trộng làm lại mái hiên và hỗ trợ thiết chế nhà văn hóa. Ảnh: CTV.

Hải Sâm