Sức mua của dân suy giảm

Mấy hôm trước Tết, tôi bỏ thời gian đi lang thang ở một số siêu thị hay chợ truyền thống ở Hà Nội để xem dân tình mua bán, sắm Tết như thế nào. Thật vui là có rất đông người mua bán, phải xếp hàng dài để thanh toán cho những món đồ Tết.

Tuy vậy, tôi để ý, tuyệt đại đa số các món đồ trên tay người mua đều là hàng hóa ăn uống thiết yếu. Những khu bán hàng gia dụng hay điện tử thì vắng vẻ khác thường.

Trước và sau Tết, người ta đã nói nhiều về quang cảnh đìu hiu ở các chợ hoa, cây cảnh ở các thành phố lớn, về tình trạng người bán nhiều hơn người mua, rồi nhiều người bán đã phải chặt vứt bỏ biết bao nhiêu là hoa và cây cảnh, rất đáng tiếc và xót xa. Tuy nhiên, đã có nhiều tờ báo tường thuật nạn kẹt xe hay sân bay quá tải kỷ lục trong những ngày trước và sau Tết.

Người dân mua sắm ở siêu thị trong những ngày trước Tết Quý Mão 2023

Đó là một bức tranh khá tương phản về sức mua của người dân trong tháng Tết, tháng mua sắm thường rộn ràng hơn so với bình thường.

Tôi cố gắng tìm hiểu thực tế sau khi nghe nhiều cảnh báo về những khó khăn thậm chí gay gắt hơn trong quý 1, quý 2 năm nay từ nhiều chuyên gia, tổ chức. Ít gì, từ cuối quý 3/2022, tình hình kinh tế nói chung đã trở nên rủi ro và bất định hơn với biến động tỷ giá, lãi suất, hay các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đông lại. Đặc biệt, tình hình cắt giảm việc làm do thiếu đơn hàng.

Khi gặp khó khăn thì người dân thắt chặt hầu bao và chi tiêu đầu tiên.

Bức tranh đó được mô tả rất rõ nét qua báo cáo tháng 1 của Tổng cục Thống kê. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,8% so cùng kỳ năm 2022 nếu loại trừ yếu tố giá (cùng kỳ năm 2022 giảm 2,5%). Tổng cục Thống kê ước tính, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm nay chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Cuối năm trước, các cơ quan chức năng báo cáo, gần hơn nửa triệu người lao động trong khu vực chính thức và khu vực phi chính thức đã mất việc, hoãn việc, giãn việc từ cuối quý 3. Hoàn cảnh này cho thấy thêm sức mua của người dân đã bị tác động như thế nào.

Điều này lý giải, khá rõ nét, vì sao nhiều nơi đìu hiu, hàng hóa không phải thiết yếu ế ẩm, chợ hoa, cây cảnh vẫn có người đến xem nhưng ít người mua. Còn sân bay đông nghẹt vì người dân kiểu gì cũng cần phải đi lại, về quê dịp Tết.

Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghịt người về quê ăn Tết Quý Mão 2023

Khó khăn trước mắt sẽ lớn hơn

Tôi viết tình thế trên với hàm ý, lạm phát của Việt Nam thấp trong năm 2022 là do mấy yếu tố như lạm phát được nhập vào qua khu vực FDI rồi lại được xuất đi và đặc biệt sức mua của dân rất yếu, dù lúc này lúc khác giá xăng dầu tăng kỷ lục. Như vậy, lạm phát thấp trong năm 2022 chưa hẳn là điều đáng mừng vì nó thể hiện sức mua, hay đầu tư kém đi.

Tuy nhiên, lạm phát có vẻ đang ngóc đầu dậy rất nhanh. Trong tháng 1/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản  tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước. Đó là những dấu hiệu đáng lo ngại.

Một yếu tố nữa cần nói đến là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1 giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%; ngành khai khoáng giảm 4,9%. Mức sụt giảm như vậy là nhanh và rất sâu.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, hai động lực tăng trưởng, giảm mạnh trong khi lạm phát tháng 1 lại tăng nhanh như trên một lần nữa đưa ra dấu hiệu một năm không hề dễ dàng đang ở phía trước, như các chuyên gia và tổ chức cảnh báo.

Tình hình này được dự báo trong Nghị quyết 01/NQ-CP: Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất trong nước, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm; quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế…

Cần động lực cho cán bộ

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP đã đưa ra nhiều giải pháp và các địa chỉ thực hiện, nhưng xin nhắc lại điểm rất đặc biệt trong đó: “Đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng quyết tâm hành động cao nhất theo tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt" để tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Điểm này trong Nghị quyết nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Nỗi buồn tư duy SandboxHọ nói thị trường Fintech của Việt Nam, trong đó có ví điện tử, là “vô cùng bùng nổ”, “màu mỡ” và “hấp dẫn”. Nhưng hỏi họ có đầu tư không, họ nói là chưa.

Quan điểm đó rất đúng đắn và cần thiết để vượt qua được những khó khăn tới đây vì khu vực công vẫn luôn là động lực chính trong thúc đẩy hay níu kéo phát triển.

Có lẽ, cần ban hành sớm chính sách thử nghiệm sand-box khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Cơ chế sand-box này cần thiết để tránh tình trạng làm cầm chừng, phòng thủ, che chắn, giữ an toàn trong một bộ phận cán bộ, công chức, mà có đại biểu Quốc hội từng nêu.

Vì sao cơ chế sand-box lại cần thiết? Vì cách tiếp cận lâu nay là “cán bộ chỉ được làm những gì luật cho phép” chứ không như “người dân được làm những gì pháp luật không cấm”. Khi chỉ được làm những gì luật cho phép thì rất khó có động lực, hay thậm chí không được bảo vệ khi dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.

Xin đơn cử, vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản là chuyện gần đây được nhắc tới nhiều. Làm sao tháo gỡ núi khó khăn này nếu thiếu cơ chế bảo vệ cán bộ?

Tóm lại, để đưa con thuyền kinh tế vượt qua những khó khăn và thách thức gay gắt đang chờ ở phía trước, cần có cơ chế sand-box để tạo động lực và bảo vệ cán bộ, công chức để họ “dám làm, vì lợi ích chung”.

Tư Giang

“Giá như chúng ta quyết liệt hơn”Một năm đã qua với những niềm vui, nỗi buồn pha lẫn sự trăn trở. Giá như chúng ta có cách điều hành quyết liệt, khôn khéo hơn nữa thì kết quả sẽ còn tích cực hơn.