Thông tin trên được Bộ Tài chính nêu tại văn bản về triển khai các quy định Luật Đất đai 2024, vừa gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Về vấn đề xử lý chuyển tiếp áp dụng bảng giá đất, Bộ Tài chính cho biết, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.
“Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương”, văn bản của Bộ Tài chính nêu.
Theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8, từ năm 2026, bảng giá đất sẽ được UBND các tỉnh ban hành mỗi năm một lần để sát thị trường, thay vì 5 năm như quy định cũ.
Cuối tháng trước, TPHCM đưa ra dự thảo bảng giá đất điều chỉnh. Giá trong bảng giá đất điều chỉnh tăng cao so với bảng giá đất cũ, mức tăng nhiều nơi từ 10-30 lần, cá biệt có nơi tăng 51 lần.
Theo lãnh đạo Sở TN-MT TPHCM, sở dĩ phải điều chỉnh vì bảng giá đất năm 2020 đang áp dụng có những bất cập. Việc điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế và giá đất trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, thành phố chưa áp dụng bảng giá đất điều chỉnh này do cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố.
Trước đó, người dân TPHCM cũng hối hả đi làm thủ tục đất đai vì lo ngại giá đất điều chỉnh sẽ tăng cao, tác động đến các trường hợp xin cấp giấy chứng nhận và chuyển mục đích sử dụng đất.
Những ngày qua, nhiều hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất ở TPHCM bị treo do vướng mắc ở khâu tính tiền thuế do cơ quan thuế chờ hướng dẫn.
Quá trình điều chỉnh bảng giá đất
Theo Bộ Tài chính, trình tự điều chỉnh bảng giá đất nếu có sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất (Nghị định 71).
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn một tổ chức thực hiện định giá đất để xây dựng bảng giá đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trường hợp tại thời điểm đóng thầu, không có nhà thầu nào tham dự thì được gia hạn 1 lần. Sau khi gia hạn mà không lựa chọn được nhà thầu thì Sở Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện hoạt động tư vấn xác định giá đất.
Tiếp đó, tổ chức thực hiện định giá đất tiến hành điều chỉnh bảng giá đất theo Điều 14 của Nghị định 71.
Việc thực hiện định giá đất trải qua nhiều bước, từ điều tra, khảo sát, thu thập thông tin phục vụ việc xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí; việc xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn;
Đến xác định loại đất, khu vực, vị trí đất tại từng xã, phường, thị trấn đối với khu vực xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí; xác định loại đất, tổng số thửa đất, số thửa đất của mỗi loại đất đối với khu vực xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ kết quả điều tra, khảo sát, thu thập thông tin tại cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành đối với việc xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí.
Tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát, thu thập thông tin; thiết lập vùng giá trị; lựa chọn thửa đất chuẩn và xác định giá cho thửa đất chuẩn; lập bảng tỉ lệ so sánh đối với việc xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Đến xây dựng dự thảo bảng giá đất và dự thảo báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất.
Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng dự thảo tờ trình về việc ban hành bảng giá đất, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tiếp thu, hoàn thiện tờ trình về việc ban hành bảng giá đất, hoàn thiện dự thảo bảng giá đất và báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất, trình hội đồng thẩm định bảng giá đất.
Hội đồng thẩm định bảng giá đất thực hiện thẩm định bảng giá đất và gửi văn bản thẩm định về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện tiếp thu, giải trình, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo bảng giá đất, trình UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất.