Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được Ủy ban Di sản thế giới - UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới 2003, có diện tích hơn 123.000ha, là 1 trong 200 hệ sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu. Vườn quốc gia này ngoài nổi tiếng về hệ thống hang động, nhũ thạch còn có giá trị lớn về sinh học. Đây là rừng nguyên sinh có tỷ lệ bao phủ lớn nhất tại trong các khu rừng đặc dụng ở nước ta với nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là Hổ Đông Dương.
Nhiều năm qua, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã và đang nỗ lực công tác bảo vệ rừng, phòng chống tội phạm đa dạng sinh học.
Sự đa dạng sinh học tại đây không chỉ về mức độ quý hiếm mà cả về nguồn gen. Theo thống kê, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ghi nhận 2.953 loài thực vật, trong đó có 121 loài được ghi chép tại Sách đỏ thế giới IUCN và 111 loài có trong sách đỏ Việt Nam.
Về động vật, Phong Nha – Kẻ Bàng có hệ động vật vô cùng phong phú với sự có mặt của 1.394 loài, trong đó có 116 loài ghi trong Sách đỏ IUCN, 82 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, Vườn có có hàng chục loài có tên trong phụ lục bảo vệ khẩn cấp, cấm mọi hình thức săn bẫy và mua bán của Chính phủ và các tổ chức bảo tồn quốc tế. Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có hệ sinh cảnh đa dạng đặc biệt là núi đá vôi và hang động nên là nơi trú ẩn của nhiều loài linh trưởng. Theo ghi nhận, tổng số loài linh trưởng tại Vườn này chiếm 42% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam.
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có diện tích vùng đệm lớn nằm trên 3 huyện Quảng Ninh, Minh Hoá, Bố Trạch, đồng bào sinh sống gần 69 nghìn người, chủ yếu là người dân tộc Chứt và Bru-Vân Kiều. Người dân sống quanh vùng đệm của Vườn đời sống còn khó khăn, chủ yếu là phụ thuộc vào rừng. Họ khai thác các loài động thực vật từ rừng nên công tác bảo tồn sinh học tại đây cũng khó khăn.
Vì vậy, Ban Quản lý Vườn đã tiến hành nhiều giải pháp khác nhau như phát triển kinh tế bền vững dựa vào du lịch sinh thái, tăng sinh kế cho người dân trong vùng đệm để giảm áp lực lên rừng. Đặc biệt, Ban quản lý Vườn phối hợp với các địa phương quanh vùng đệm của Vườn thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống nạn mua bán động vật hoang dã, thực vật quý hiếm.
Việc tuyên truyền thực hiện lồng ghép qua các hoạt động của thôn xóm, các buổi tuyên truyền trực tiếp, qua tờ rơi, tài liệu, ấn phẩm truyền thông, tổ chức hoạt động ngoại khóa tại trường học với nội dung về quản lý, bảo vệ rừng và động vật hoang dã.
Cùng với đó là phối hợp với nhà trường đưa các chuyên đề giáo dục về bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên hoang dã cho học sinh. Các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên cũng được tiếp cận với các hoạt động truyền thông này. Từ đó, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm trong bảo vệ rừng được nâng cao.
Người dân trước đây chỉ dựa vào công việc nương rẫy, lén lút vào rừng khai thác lâm sản, săn bẫy động vật thì hiện nay họ có sinh kế mới như tham gia làm việc trong các tour du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái trong Vườn. Nhiều người dân được hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng mua cây trồng, vật nuôi pháp triển kinh tế. Đặc biệt, đến hết năm 2022, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có 29 tổ bảo vệ rừng thôn, bản ở vùng đệm. Lực lượng này đã tích cực cùng cán bộ của Vườn quốc gia và Kiểm lâm tham gia tuần tra, truy quét các hành động xâm nhập rừng trái phép, bảo vệ rừng, động vật hoang dã và thành lập các tổ truyền thông cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn ngừa tội phạm mua bán động vật hoang dã, thực vật quý hiếm.
Trong thời gian tới, Vườn sẽ thực hiện triển khai nâng cấp, quản lý, vận hành hệ thống phần mềm SMART trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học, đổi mới phương pháp tuần tra, kiểm soát, chú trọng phát hiện, ngăn chặn từ đầu để hạn chế tội phạm đa dạng sinh học.