Vườn quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế) không chỉ là dải rừng xanh bạt ngàn mà nơi đây còn chứa giá trị vô cùng to lớn về đa dạng sinh học với hệ sinh cảnh của Trung Trường Sơn. Vườn có hệ rừng xanh duy nhất ở Việt Nam trải dài từ biển Đông vào biên giới Việt Lào. Vườn quốc gia là nơi thu hút nhiều nhà khoa học, khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.
Vườn quốc gia Bạch Mã với sự che phủ rừng lên tới hơn 90% dưới tán rừng là hệ sinh vật đa dạng. Theo thống kê ghi nhận, Vườn quốc gia Bạch Mã có tới hơn 1.750 loài động vật, trong đó có 132 loài thú (31 loài quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam) 143 loài ếch nhái, 1029 loài côn trùng, 57 loài cá. Đặc biệt Vườn quốc gia Bạch Mã là nơi sinh sống của hai loài thú Mang lớn, Sao la mới được phát hiện. Hai loài thú này quý hiếm bậc nhất thế giới, chỉ sống ở vùng hẻo lánh ở dải núi Trung Trường Sơn tại Việt Nam và Nam Lào. Tại đây còn có chim trời với 363 loài chim, chiếm 1/3 tổng số loài chim ở Việt Nam, có 15 loài chim đặc hữu.
Hệ thực vật đa dạng với nhiều loài quý hiếm. Nhiều thực vật được phát hiện lần đầu tiên chỉ có ở Vườn nên người ta lấy luôn tên Vườn gắn với nó như lá nón Bạch Mãi, chìa vôi Bạch Mã, tùng Bạch Mã, Lan Bạch Mã. Ngoài ra, Vườn còn ghi nhận nhiều loài gỗ quý như, Cẩm lai, Trắc, Trầm hương, Pơ mu, thông Đà Lạt.
Với hệ động thực vật vô cùng phong phú, Vườn quốc gia Bạch Mã cũng là nơi nhiều đối tượng săn bẫy động vật trái phép. Các lực lượng tuần tra rừng liên tục truy quét thu giữ các loại bẫy động vật do các đối tượng lẻn vào rừng đặt.
Trước đó, Vườn quốc gia Bạch Mã đã bắt được nhóm 4 người gồm Trần Đình Ty, Trần Ninh, Phạm Văn Nam và Nguyễn Bản đều có hộ khẩu thường trú tại huyện Nam Đông vào rừng săn bẫy động vật. Tang vật thu giữ là các bao cùi chứa thịt động vật. Xác định là động vật hoang dã thuộc loài Sơn Dương (đây là động vật nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ của Chính phủ). Đến ngày 24/3/2023, Tòa án nhân dân Huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 04 bị cáo về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” với bản án thích đáng mang tính răn đe.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Vườn quốc gia Bạch Mã đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng, tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong tuyên truyền, xử lý vụ việc liên quan tới vi phạm tài nguyên rừng.
Đặc biệt, Vườn quốc gia Bạch Mã đã đưa hệ thống ứng dụng phần mềm SMART Mobile trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học và quản lý cơ sở dữ liệu. Vườn đã tổ chức trên 2.000 lượt tuần tra kiểm soát thường xuyên, 239 đợt tuần tra kiểm soát, truy quét tại rừng, qua đó phát hiện và tháo dỡ 114 điểm có đặt bẫy bắt thú rừng với hơn 400 loại bẫy khác nhau, tháo bỏ 25 lán trại do các đối tượng khai thác rừng dựng lên. Trong năm 2023, theo ghi nhận tại Vườn, tình trạng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trái phép, an ninh rừng được giữ vững.
Ngoài ngăn ngừa tội phạm về đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Bạch Mã còn làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và phát triển rừng. Theo số liệu của Ban quản lý vườn, trong 6 tháng đầu năm nay, Vườn đã cứu hộ được 06 loài với 28 cá thể (01 cá thể Rùa đất Sê pôn, 04 cá thể Rùa hộp tráng vàng, 18 cá thể Rùa cổ sọc, 01 cá thể Tê tê, 03 cá thể Rùa Sa nhân và 01 cá thể Khỉ mặt đỏ).
Để phát triển nguồn gen quý, Vườn quốc gia Bạch Mã còn chăm sóc và nuôi nhân giống 8 cá thể Gà Lôi trắng và 2 cá thể Công má vàng, cứu hộ chăm sóc 1 cá thể Rùa sa nhân, 2 cá thể Khướu, chăm sóc vườn sưu tập 63 loài Lan Bạch Mã, vườn ươm cây bản địa.
Vườn cũng thường xuyên phối hợp với các cộng đồng dân cư sống quanh vườn tổ chức tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và bảo tồn động vật hoang dã, giảm thiểu các mối đe dọa đến nguồn tài nguyên Vườn quốc gia Bạch Mã.