Khu bảo tồn Sao La thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, thành lập năm 2013 với diện tích hơn 15.500ha. Sao La được đánh giá là có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học lớn. Đặc biệt, Sao La còn là nơi sinh sống của loài Mang lớn, Mang Trường Sơn…một trong những loài động vật bí ẩn nhất thế giới.
Ngoài ra, Sao La được ghi nhận khoảng 1.200 loài động, thực vật trong đó 42 loài thú, 139 loài chim, 54 loài cá, 84 loài bò sát, ếch, nhái và 284 loài bướm. Điển hình ở khu bảo tồn này chính là những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992. Đây là thú sừng rỗng giống loài Linh dương, còn được gọi là Kỳ lân châu Á, với hai cặp sừng song song, nhọn dần về phía cuối và có thể dài tới 50cm. Sách đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam đã xác định Sao La là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao.
Từ năm 2017 trở về trước , người dân vào rừng đặt bẫy thú tại Sao La nhiều như ma trận, nhất là vào dịp cuối năm nhu cầu sử dụng động vật rừng lớn. Thậm chí, các đối tượng khai thác săn bẫy động vật rừng còn lập lán trại trong rừng. Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với Ban quản lý khu bảo tồn thường xuyên tuần tra, truy quét. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp với phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nên số lượng bẫy thú đã giảm xuống đáng kể nhưng nạn săn bẫy động vật tại Khu bảo tồn Sao La vẫn diễn ra.
Tại đây, các lực lượng kiểm lâm liên tục tuần tra và phát hiện các dụng cụ săn bẫy động vật hoang dã, súng đạn. Trong đợt tuần tra đầu tháng 10 vừa qua, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Sao La phối hợp với Đồn Biên phòng Hương Nguyên và Ban quản lý khu bảo tồn Sao La tổ chức tuần tra truy quét và đã phát hiện tại hiện trường tiểu khu 351 là 01 khẩu súng săn và 03 viên đạn. Các đợt tuần tra, lực lượng đều phát hiện các loại súng này. Thực trạng người dân sống gần rừng vẫn thường xuyên mang các loại vũ khí tự chế để vào rừng săn bắt động vật hoang dã, gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn Sao La.
Với địa hình khó khăn, lực lượng tuần tra rừng rất vất vả, Ban quản lý Khu bảo tồn Sao La tranh thủ, huy động các nguồn lực, chương trình, dự án đầu tư mau sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động bảo tồn. Máy móc hiện đại giúp công tác ngăn chặn nạn săn bắt động vật, khai thác lâm sản quý trong rừng thuận lợi hơn. Với ứng dụng hệ thống SMART và thử nghiệm hệ thống SMART Mobile và SMART Connect trong theo dõi, tuần tra rừng, các cán bộ bảo vệ rừng chỉ cần điện thoại thông minh ghi lại các vị trí tuần tra, các địa điểm nhận dạng rừng bị xâm phạm, bẫy thú rừng, lán trại, người dân vào rừng…có sóng điện thoại là những thông tin này sẽ tự động cập nhật vào hệ thống. Thông tin được xử lý tại phòng chuyên môn của ban quản lý.
Vì vậy, tình trạng chặt phá rừng, bẫy thú của người dân đặt trong rừng đã giảm rõ rệt. Khu bảo tồn còn trang bị bẫy ảnh. Nhờ có hệ thống bẫy ảnh giúp hoạt động săn tìm, ghi nhận các loài động vật hoang dã, nhất là các loài quý hiếm, nguy cấp. Hoạt động của bẫy ảnh và tuần tra trực tiếp cũng giúp lực lượng bảo vệ rừng tháo gỡ hàng nghìn bẫy động vật hoang dã các loại được các đối tượng đặt trong rừng.
Ngoài ra, để công tác bảo vệ đa dạng sinh học tốt hơn, ngăn ngừa nạn xâm nhập và săn bắt động vật hoang dã, Ban quản lý Khu bảo tồn Sao La, Thừa Thiên Huế đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền với người dân sống gần rừng về vai trò của bảo tồn đa dạng sinh học cũng như quy định của Luật Lâm nghiệp, bảo vệ rừng. Các hành vi săn bắt, mua bán động vật hoang dã đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.