Tại hội nghị phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau cơn bão số 3, sáng 21/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản là hai lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành nông nghiệp. Song, cơn bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại nặng cho hai ngành hàng này.
Theo thống kê sơ bộ, đến 17h ngày 18/9, thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão làm 22.808 con gia súc và hơn 3 triệu con gia cầm bị chết, trong đó 5 tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội và Thái Nguyên.
Báo cáo của các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An cho thấy, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 23.595 ha; số lồng bè bị hư hại, cuốn trôi khoảng 4.592 ô lồng. Ước thiệt hại ban đầu về nuôi trồng thủy sản lên tới hơn 2.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi và Cục Thuỷ sản đề xuất đến việc hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình để có điều kiện khôi phục sản xuất. Đặc biệt, phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển bền vững hơn.
Ngoài ra, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để phục vụ công tác phục hồi sản xuất sau mưa bão sẽ tăng cao.
“Lo lắng nhất sau bão và mưa lũ là dịch bệnh vì các loại mầm bệnh tồn tại trong môi trường và đàn vật nuôi rất nhiều, có nguy cơ sẽ phát tán và lây lan”, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Long nêu vấn đề.
Do đó, ông đề xuất Bộ NN-PTNT ban hành văn bản chỉ đạo và yêu cầu tất cả lực lượng, các cấp hỗ trợ cho người dân các biện pháp tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đồng thời, tiến hành rà soát tiêm phòng ngay cho đàn gia súc và gia cầm để không phát sinh dịch bệnh.
Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất vắc xin, thuốc thú y không được phép tăng giá, thậm chí còn phải có chính sách giảm giá để đồng hành cùng bà con trong những lúc khó khăn như hiện nay.
Tại hội nghị, ông Đỗ Linh Phương - Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty DBLP, cho rằng người nông dân nuôi trồng thuỷ sản có thể khôi phục sản xuất bằng cách chuyển qua trồng rong biển ngay.
Bởi, nhìn vào thực tế hiện nay cho thấy, nhiều hộ nông dân bị thiệt hại nặng nề, gần như không còn vốn để tái sản xuất. Trong khi, trồng rong biển là hướng đi có thể cân nhắc đến vì tiết kiệm chi phí, không phải cho ăn như nuôi các loài thủy sản khác.
Công ty sẵn sàng hỗ trợ 1 triệu cây rong giống để giúp bà con ở vùng nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại tái sản xuất nhanh nhất, ông Phương khẳng định.
Rong biển được ví là siêu thực phẩm. Ngoài ra, chúng có thể làm nguyên liệu để sản xuất trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm… Thậm chí, từ rong biển các doanh nghiệp đã sản xuất ra cốc nhựa sinh học.
Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã có nghiên cứu chứng minh, cây rong biển có tác dụng hấp thụ CO2 gấp khoảng 2-5 lần so với cây rừng trên cùng một diện tích. Một số loài rong có tán rộng, như rong bẹ, khả năng hấp thụ CO2 gấp khoảng 20 lần cây rừng. Với 1km2 nuôi trồng rong biển có thể lưu trữ 1.500 tấn khí CO2. Do đó, việc mở rộng diện tích nuôi trồng rong biển sẽ tạo ra các bể chứa carbon khổng lồ cho ngành thuỷ sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, với sự vào cuộc của Bộ NN-PTNT và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, HTX, bà con, ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi và thủy sản nói riêng sẽ sớm khôi phục được hoạt động sản xuất.
Đến thời điểm này, ngành thủy sản đã nhận được gần 85 tỷ đồng, chăn nuôi gần 79 tỷ đồng, ngành thú y gần 2,4 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn, con giống, chất xử lý cải tạo môi trường… nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ.
Thứ trưởng khẳng định, những nguồn lực này sẽ đến tận tay những người cần hỗ trợ, đúng người, đúng việc và đảm bảo công khai, minh bạch.