Tạm dừng thu lãi đến hết 31/12/2024
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết sẽ tạm dừng thu lãi đối với hộ vay bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ sau bão đến hết ngày 31/12.
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng giám đốc NHCSXH, cho biết căn cứ mức độ thiệt hại về vốn, tài sản và con người của hộ vay, NHCSXH nơi cho vay khẩn trương hoàn thiện quy trình thiết lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định hiện hành để trình các cấp có thẩm quyền quyết định xử lý nợ bị rủi ro kịp thời, nhằm tạo điều kiện cho hộ vay bị thiệt hại khắc phục hậu quả do thiên tai, ổn định cuộc sống, nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.
NHCSXH cũng thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay đến hạn trả nợ (triển khai đối với các món vay phát sinh nợ đến hạn từ tháng 9/2024). Thời hạn thông thường tối đa là 12 tháng đối với các khoản cho vay ngắn hạn và tối đa 1/2 thời hạn cho vay đối với các khoản cho vay trung và dài hạn.
“Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vay vốn của các địa phương, NHCSXH sẽ xây dựng phương án bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, cân đối nguồn vốn thực hiện để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 10/2024. Dự kiến trình bổ sung khoảng 4.900 tỷ đồng”, ông Thuận cho biết.
Nhiều chính sách được chủ động đưa ra
Tại hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 của Ngân hàng Nhà nước hôm 20/9, bà Ngô Thu Hà, Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB, cho biết ngân hàng triển khai chương trình hỗ trợ giảm bình quân 50% lãi suất khách hàng hiện hữu phải trả từ 1/9-31/12.
Đặc biệt với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, tùy theo mức độ, SHB có thể miễn 100% lãi suất phải trả trong thời gian trên. Ước tính số tiền lãi miễn giảm cho khách hàng hơn 30 tỷ đồng.
Đồng thời, SHB cấp gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất chỉ 4,5% với khoản vay mới, đến hết 31/12, cung cấp nguồn vốn giúp khách hàng tái thiết và hồi phục sản xuất, kinh doanh. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.
SHB tiếp tục rà soát khách hàng bị ảnh hưởng để đưa ra những gói hỗ trợ phù hợp với từng ngành nghề sản xuất kinh doanh. Ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của SHB về khả năng trả nợ của khách hàng...
VietinBank cho biết giảm lãi suất cho vay với quy mô dư nợ dự kiến lên đến 100.000 tỷ đồng, để hỗ trợ nguồn vốn cho khách hàng sớm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, tất cả doanh nghiệp và cá nhân chịu thiệt hại từ bão Yagi đều được hỗ trợ giảm lãi suất lên đến 2%/năm tùy từng mục đích, kỳ hạn vay vốn cho các khoản vay. Chính sách hỗ trợ này áp dụng cho cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới đến hết ngày 31/12. Quy mô gói hỗ trợ lên đến 100.000 tỷ đồng.
Về phía Agribank, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc, cho biết tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 3, Agribank có 75 chi nhánh với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế là gần 640.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại các khu vực này chiếm gần 54% (gần 342.000 tỷ đồng).
Theo ông Vượng, thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại có 60/75 chi nhánh tại 25 tỉnh, thành phát sinh thiệt hại. Trong đó, gần 15.000 khách hàng vay của ngân hàng với ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỷ đồng.
Đối với chương trình giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão số 3, riêng các khoản vay có dư nợ nội bảng, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9-31/12; giảm 0,5%/năm lãi suất đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9-31/12.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các chương trình hỗ trợ của ngân hàng đưa ra rất tích cực, với tinh thần thiệt hại nhiều thì hỗ trợ nhiều đồng thời chủ động đưa ra nhiều chính sách cho vay mới, chủ động giảm lãi suất cho khoản vay cũ và cho vay mới; nhiều ngân hàng quy mô nhỏ cũng tham gia rất tích cực…
Phó Thống đốc cho biết, quan điểm chỉ đạo của ngành ngân hàng thể hiện tinh thần và trách nhiệm chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp sau bão lũ. Các NHTM bằng chính nguồn lực từ lợi nhuận của mình, nỗ lực tiết giảm chi phí để miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tùy theo năng lực của mình, các ngân hàng triển khai các chương trình hỗ trợ tương xứng, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đồng hành với khách hàng.