Bảng giá đất điều chỉnh của TPHCM tương đối cao nhưng sát, không vượt quá thị trường. Việc kiến nghị giảm giá xuống là phản khoa học, bởi giảm giá mà không đảm bảo nguyên tắc thị trường là trái luật.
Tại Hội thảo “Động lực mới, cơ hội, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan” do Tạp chí Thương gia tổ chức, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, Khoản 1, Điều 257 Luật Đất đai 2024 quy định các địa phương được sử dụng bảng giá đang áp dụng cho đến hết ngày 31/12/2025; tùy từng trường hợp, các địa phương có thể điều chỉnh theo quy định của luật này.
Theo ông Chính, có địa phương vẫn đang áp dụng bảng giá hiện hành (tạm gọi là bảng giá đất cũ). Vừa qua, chỉ có TPHCM tính toán để điều chỉnh bảng giá đất mới.
Ông đánh giá, mức giá điều chỉnh của TPHCM tương đối cao nhưng sát, không vượt quá thị trường, phản ánh đúng nguyên tắc thị trường.
Vị Cục trưởng cho rằng, theo Nghị quyết 18, việc định giá này phải theo nguyên tắc thị trường, không có câu chuyện hai giá.
“Nhà nước đã điều hành thì không thể để hai giá. Phải xem lại thuế suất, việc thu về tiền sử dụng đất, tiền thuế đất. Thu như thế nào để vừa thu hút đầu tư, vừa đảm bảo với sự đóng góp của người dân. Việc kiến nghị giảm giá xuống là phản khoa học, bởi việc giảm giá mà không đảm bảo nguyên tắc thị trường là trái luật. Người làm định giá dễ bị sai phạm pháp luật”, ông Chính nói.
Đặt vấn đề về mức giá, ông Chính nhấn mạnh, phải thực hiện đúng nguyên tắc thị trường thông qua việc thu thập điều tra thông tin trên thị trường, ưu tiên lựa chọn thông tin nào. Trong đó, giao cho cấp tỉnh quy định các tiêu chí khi thực hiện công tác định giá, như tiêu chí về thời gian bán hàng, lợi nhuận, chi phí đầu tư, thời gian xây dựng...
“Những quy định này đảm bảo bám sát thị trường, đi theo hơi thở thị trường để cán bộ làm công tác định giá yên tâm. Đồng thời, đảm bảo giá đó được xác định theo đúng nguyên tắc thị trường. Thị trường là thước đo xác định giá đất. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà đầu tư cũng như thực hiện nghĩa vụ của nhà nước đối với những người có đất bị thu hồi phải đảm bảo hài hòa, minh bạch”, ông Chính nói.
Trước con số giá đất trong bảng giá điều chỉnh của TPHCM cao gấp nhiều lần giá cũ, người dân lo ngại tiền sử dụng đất tăng cao, thậm chí bàn cách "chạy đua" nộp hồ sơ sớm để giảm áp lực tài chính, ông Chính cho hay rất chia sẻ với những lo ngại của người dân.
Tuy nhiên, ông lưu ý vấn đề này cần phải nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện bởi mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải lấy nguyên bảng giá đó để thu.
“Mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cần phải nghiên cứu Nghị định 103. Trước đây, quy định trong hạn mức thì thu 50%, ngoài hạn mức thu 100%. Còn bây giờ theo Nghị định 103 đã giảm xuống rất nhiều, có trường hợp chỉ nộp 20% trong hạn mức.
Kể cả trước đây thu 50% thì không phải lấy nguyên bảng giá đó để tính. Theo quy định trước ngày 1/8 khi xác định giá đất, nguyên tắc dưới 20 tỷ đồng (Hà Nội, TP.HCM dưới 30 tỷ đồng) thì áp dụng bảng giá nhân với hệ số, trên mức đó thì định giá cụ thể. Hệ số này được xác định trên cơ sở giá thị trường chia cho bảng giá chứ không phải là thu nguyên bảng giá”, ông Chính phân tích.
Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vướng mắc khi triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được phân công chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thi hành các luật; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền; báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.