Trong lịch sử xa xưa, cả 4 tộc người có chung một nguồn gốc. Tổ tiên của họ là chủ nhân của nền văn minh Sông Hồng với nghề trồng lúa nước lâu đời và một thời đại đồng thau phát triển rực rỡ, được đánh dấu bằng các di chỉ khảo cổ nổi tiếng như: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn..
Do điều kiện lịch sử tự nhiên và xã hội, đã tách ra thành những tộc người khác nhau như ngày nay. Vì vậy, bên cạnh những những dấu ấn khá tương đồng về mặt ngôn ngữ, phong tục tập quán, mỗi tộc người lại có những biểu hiện văn hoá theo các chiều hướng khác nhau, tạo nên các sắc thái văn hoá rất riêng của từng tộc người.
Người Kinh sống quần tụ trong các xóm làng. Mỗi làng có một cổng ra vào, xung quanh được bao bọc bởi luỹ tre xanh. Mỗi làng đều có cây đa, giếng nước, mái đình và chùa thờ Phật. Người Kinh vừa bảo lưu những bản sắc văn hoá riêng, vừa nhanh chóng tiếp thu tinh hoa của nhiều luồng văn hoá.
Người Mường vẫn bảo lưu bản sắc văn hoá truyền thống Lạc Việt. Còn các tộc người Thổ, Chứt có sự giao thoa mạnh mẽ với văn hóa của một số tộc người sinh sống cùng khu vực.
Do cộng đồng này cư trú chủ yếu ở đồng bằng, ven biển và lưu vực các con sông, nên họ có kinh nghiệm đánh bắt cá và nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt, cách sử dụng mắm trong bữa ăn hàng ngày là nét văn hoá ẩm thực rất riêng của cư dân Việt.