Dân tộc
Chứt
Nhóm ngôn ngữ
Việt Mường
Lượt yêu thích
1645 Yêu thích
Dân số: 7.513 người
(số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019)
Quê hương xưa của người Chứt ở hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo gia phả của một số dòng họ người Việt trong vùng thì các nhóm Rục, Sách cư trú tại vùng núi này ít nhất đã được trên 500 năm nay. Cộng đồng Chứt gồm các nhóm: Rục, Sách, A-rem, Mày, Mã liềng.
Nguồn sống chính của nhóm Sách là làm ruộng, còn nhóm Rục và A-rem là làm rẫy. Ngoài ra người Chứt còn hái lượm, săn bắn, đánh cá, chăn nuôi. Nghề mộc và đan lát là phổ biến. Người Chứt không biết dệt vải. Đồ dùng bằng kim loại và vải vóc, y phục phải mua hoặc trao đổi. Mùa hè, nam giới đóng khố, cởi trần. Phụ nữ mặc váy. Mùa đông, họ mặc áo làm bằng vỏ cây. Hiện nay đồng bào ăn mặc giống như người Việt.
Hầu hết người Chứt giờ đã định canh định cư, nhưng các làng thường tản mạn. Nhà cửa không bền vững. Mỗi dòng họ đều có người tộc trưởng, có bàn thờ tổ tiên chung. Trong làng, tộc trưởng nào có uy tín lớn hơn thì được suy tôn làm trưởng làng.
Quan hệ vợ chồng của người Chứt bền vững, ít xung đột. Người Chứt thờ cúng tổ tiên. Việc ma chay đơn giản, nhóm Sách có tiếp thu ảnh hưởng của người Kinh. Tục lệ chung, tang gia tổ chức cúng bái 2-3 ngày, rồi đưa người chết đi chôn. Mồ được đắp thành nấm, không có nhà mồ. Sau 3 ngày, tộc trưởng làm lễ gọi hồn cho người chết về ngụ tại bàn thờ tổ tiên ở nhà tộc trưởng, từ đó người thân không lai vãng chăm sóc mộ nữa. Họ tin có ma rừng, ma suối, ma không trung. Thần nông bảo vệ mùa màng là vị thần cao nhất.