Dân tộc

Thổ

Nhóm ngôn ngữ

Việt Mường

Lượt yêu thích

error 1569 Yêu thích

error
Thông tin chi tiết
Ảnh 360
Video
Hiện vật 3D

Dân số: 91.430 người

(số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019)

 

Người Thổ có các nhóm địa phương là: Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Tày Poọng, Đan Lai, Ly Hà. Trong làng người Thổ, quan hệ gắn bó giúp đỡ lẫn nhau là nếp sống lâu đời . Theo tục cũ, toàn bộ đất đai, rừng núi, sông suối là của chung dân làng, mỗi người được quyền quản lý khi đang gieo trồng, được quyền khai thác khi là dân sống trong làng.

 

Người Thổ làm rẫy trên cả đất dốc, cả đất bằng, trồng lúa và gai là chính. Trong canh tác lúa, ngoài hình thức chọc lỗ và tra hạt, đồng bào còn gieo bãi và dùng cày, bừa để lấp đất sau khi gieo. Cây gai cho sợi đan nhiều vật liệu cần thiết: túi, võng, lưới bắt cá, vó, lưới săn thú... Một tấm lưới săn thú cần đến 30-40 kg sợi gai. Cá, chim thú là nguồn thực phẩm quan trọng đối với người Thổ và đồng bào có kinh nghiệm săn bắt, đánh bắt cá.

 

Các cô gái dân tộc Thổ biểu diễn dân vũ trong Lễ hội Bốc mó tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam

 

Xưa người Thổ ở nhà sàn, nay hầu hết đã ở nhà trệt. Đồng bào không còn nghề dệt vải. Đồ mặc có nơi giống như y phục của người Kinh nông thôn nửa thế kỷ về trước, có nơi phụ nữ dùng cả váy mua của người Thái. Ở vùng Thổ, phổ biến tập quán phụ nữ đội khăn vuông trắng, còn khăn tang là khăn trắng dài.

 

Người Thổ có tục "ngủ mái": nam, nữ thanh niên có quyền nằm tâm tình với nhau, nhất là vào dịp tết, lễ hội, tuy nhiên không được có hành vi thiếu đúng đắn bởi dư luận và luật tục rất nghiêm minh. Từ những đêm "ngủ mái", họ chọn bạn trăm năm. Trong hôn nhân, nhà trai phải tốn không ít tiền của và trước khi cưới nhà trai phải năng đến làm việc cho nhà vợ tương lai.

 

Đám tang của người Thổ trước kia có nhiều nét độc đáo. Họ dùng quan tài độc mộc, khiêng người chết đi chôn thì để chân hướng về phía trước, còn mộ thường để chân hướng xuôi theo chiều nước chảy.

 

Các làng đều có một số đền thờ thần. Trong nhà, mỗi khi trẻ con đau ốm có lễ cúng bà mụ, vào dịp tết, lễ hoặc có người ốm bị bệnh đều làm lễ cúng vía, vì họ tin ai cũng có vía.