Sáng 8/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam long trọng tổ chức lễ thượng cờ ASEAN nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày thành lập ASEAN. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì buổi lễ với sự tham gia của Trưởng đoàn ngoại giao, các đại sứ, đại biện, đại diện đại sứ quán các nước ASEAN và các đối tác của ASEAN tại Hà Nội; lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Đúng 7h30, lá cờ ASEAN được các thành viên đội danh dự gắn vào cột cờ, từ từ kéo lên trước sự chứng kiến của các quan khách. Lá cờ ASEAN bên cạnh Quốc kỳ Việt Nam.
Cách đây đúng 56 năm, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời, đặt nền móng cho hợp tác khu vực.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, sau từng bước lớn mạnh, ASEAN "chăm chỉ gieo trồng hạt giống trên vùng đất mới". Đó chính là những "hạt giống của hàn gắn rạn nứt, nuôi dưỡng lòng tin, mở đường cho Đông Nam Á" hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Những "hạt giống" ngày ấy đã mang lại thành quả lớn, Cộng đồng ASEAN hình thành, phát triển vững mạnh và sẵn sàng trở thành lực lượng trung tâm trong các tiến trình khu vực. ASEAN từng bước khẳng định được vị trí của mình, là trụ cột của hòa bình, tâm điểm của tăng trưởng và hạt nhân của đối thoại, hợp tác ở khu vực.
ASEAN hiểu rõ hơn hết giá trị của môi trường hòa bình, an ninh và ổn định. Trên thực tế, đây là mệnh đề chính của bài toán phát triển phồn vinh, đến lượt mình, đối thoại và hợp tác là lời giải cho bài toán này. Các nước ASEAN đang cùng nhau giải bài toán này với sự tham gia của cả cộng đồng quốc tế.
Điều đó được thể hiện trước hết ở các chuẩn mực ứng xử do ASEAN xây dựng, góp phần định hình và dẫn dắt các mối quan hệ hợp tác hướng đến mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) là một minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực của ASEAN...
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn chứng các nỗ lực của ASEAN chính là quá trình thực hiện Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) đang diễn ra.
Ông Bùi Thanh Sơn cho rằng, đây chính là những cố gắng của ASEAN hướng đến xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, cũng là nỗ lực trong xây dựng văn hóa tham vấn và đối thoại.
Thế giới chuyển động không ngừng, ẩn chứa nhiều bất định, hòa bình không đơn giản là sự vắng bóng của chiến tranh, xung đột. Hòa bình cũng không phải là điều mặc nhiên sẵn có.
Với trải nghiệm của hơn nửa thế kỷ, ASEAN hiểu sâu sắc hòa bình chỉ có được khi tất cả cùng chung ý chí, đoàn kết và quyết tâm xây dựng, vun đắp cho những mối quan hệ lành mạnh, ổn định và sẵn sàng đóng góp trách nhiệm cho hợp tác. Bất đồng là điều khó tránh khỏi, song quan trọng hơn cả là ứng xử thiện chí và thực tâm, vượt qua những tính toán vị kỷ, để cùng hành động vì lợi ích chung.
Với dân số gần 700 triệu người và GDP gần 4.000 tỷ USD, ASEAN là một không gian kinh tế rộng lớn, phát triển năng động và đầy triển vọng. Vượt qua những “cơn gió ngược” của nền kinh tế thế giới, ASEAN thổi luồng gió mới, tạo động lực và mang lại hy vọng lạc quan cho kinh tế khu vực.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, giữa những gam màu ảm đạm của bức tranh kinh tế thế giới, ASEAN là điểm sáng tăng trưởng và điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tăng trưởng khu vực được dự báo tích cực, đạt mức 4.7% năm 2023 và 5% vào năm 2024, vượt xa mức tăng trưởng trung bình của thế giới.
Trong khi đó, năm 2022, thương mại hàng hóa của ASEAN tăng gần 15% đạt 3.800 tỷ đô-la Mỹ, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5.5% đạt gần 225 tỷ USD.
Trước các xu thế lớn của thời đại, ASEAN đã nhanh chóng điều chỉnh cách tiếp cận, đổi mới, sáng tạo hơn trong phương thức và nội dung hợp tác theo hướng xanh, sạch và bền vững. Tìm kiếm, mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng mới là trọng tâm và mối quan tâm hàng đầu trong trao đổi giữa ASEAN và với các đối tác...