Sức khỏe và tuổi thọ của con người chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, chẳng hạn như chế độ ăn uống và di truyền. Các thói quen khác cũng có một phần tác động bao gồm đời sống xã hội và tương tác của chúng ta với bạn bè, gia đình. 

Theo tạp chí Nature Human Behavior, một số nghiên cứu trước đây đã xem xét mối liên hệ giữa sự cô đơn và cái chết sớm nhưng kết quả chưa rõ ràng. 

Một nghiên cứu mới trên hơn 2 triệu người trưởng thành đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự giao tiếp xã hội. Dựa trên 90 báo cáo hiện có, phân tích của Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) đã phát hiện những người cô đơn hoặc bị cô lập về mặt xã hội có nguy cơ tử vong sớm cao hơn.

Sống cô lập, cô đơn dễ khiến sức khỏe suy giảm. Ảnh minh họa: Gadgetonus

Những người tham gia được theo dõi trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 25 năm. Kết quả cho thấy, những người trải qua sự cô lập xã hội có nguy cơ tử vong sớm do bất kỳ nguyên nhân nào cao hơn 32%. 

Trong khi đó, nhóm người cảm thấy cô đơn có nguy cơ chết sớm cao hơn 14%. 

Theo Express, sự cô lập xã hội được định nghĩa là một người nào đó thiếu liên hệ với những người khác, bao gồm mạng lưới quan hệ hạn chế hoặc sống một mình.

Sự cô đơn được định nghĩa là nỗi đau khổ chủ quan mà mọi người cảm thấy nếu chất lượng của các mối quan hệ xã hội không được như những gì họ thực sự mong muốn.

Theo khảo sát của chính phủ Anh được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2022, 6% người dân Anh (khoảng 3 triệu người) thường xuyên hoặc luôn luôn cảm thấy cô đơn. 

Trong khi đó, 21% người dân (10 triệu) cho biết họ không bao giờ cảm thấy cô đơn.

Nhóm tác giả cũng xem xét mối liên hệ tiềm tàng giữa cô đơn, cô lập với xã hội và cái chết ở những người mắc bệnh tim mạch, ung thư vú, ung thư ruột. Theo đó, người bệnh có nguy cơ tử vong sớm hơn khi sống tách biệt. 

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự quan tâm của xã hội và sức khỏe có thể là một vòng luẩn quẩn. Theo đó, do sức khỏe kém khiến bệnh nhân tách rời cộng đồng nhưng họ lại cần được hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn so với những người khác. 

Nhóm tác giả nhận định có một số yếu tố góp phần khiến sự cô lập xã hội có tác động mạnh hơn đến nguy cơ tử vong sớm so với sự cô đơn.

Fan Wang, tác giả của nghiên cứu, từ Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân, giải thích: “Những người cô đơn nhưng không bị cô lập về mặt xã hội có thể kiên cường vượt qua nhờ các mối quan hệ xã hội của họ”.

Bởi vậy, tập trung giải quyết sự cô lập xã hội và sự cô đơn có thể cải thiện sức khỏe của mọi người và giảm nguy cơ tử vong.