Nhiều năm qua, rác thải sinh hoạt nông thôn đang là vấn đề cấp bách trong xã hội, gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Đây là bài toán đã được đặt ra từ lâu, song đến nay hiệu quả của công tác xử lý rác thải đạt được còn ít và vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Tình trạng rác thải sinh hoạt nông thôn ùn ứ tại các điểm tập kết, tại các ao hồ, kênh mương, trên đường đi nội thôn, nội thị và trong các khu dân cư đang ngày càng trở nên bức xúc, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân. Có những thời điểm rác thải dồn về lấn chiếm cả lòng đường, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Khi trời đổ mưa, nước rỉ rác thải chảy tràn trên mặt đường, trời nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, tỏa ra khắp các mặt đường và khu dân cư.

30 rac thai sinh hoat.jpg
Môi trường là một trong 19 tiêu chí thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chỉ rõ khó khăn của vẫn đề này, trong một tham luận gửi đến Hội nghị bàn về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đại diện Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-TECH Việt Nam cho biết: Đầu tiên phải kể đến đó là về vấn đề quy hoạch vì chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch không hợp lý đã dẫn đến những lúng túng như hiện nay. Thứ hai là khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ xử lý rác phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội từng địa phương hoặc chưa phù hợp đặc thù rác thải Việt Nam là rác hỗn hợp và không phân loại. Tiếp đó là một vấn đề cấp bách hiện nay nữa là ý thức người dân về thu gom, phân loại rác thải chưa tốt, các địa phương có những nơi lưu giữ chất thải không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm môi trường, mặc dù một số địa phương có một số mô hình đã và đang được triển khai nên rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Đại diện Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-TECH Việt Nam cũng đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ các huyện nông thôn mới trong công tác xử lý rác sinh hoạt. Theo đó, điều đầu tiên nên làm đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là công tác quy hoạch và gắn quản lý chất thải rắn, rác thải nông thôn vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch của từng tỉnh; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Mặt khác, vấn đề cần ưu tiên đó là kỹ thuật - công nghệ trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đi kèm với các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp.

Thứ hai là các địa phương hiện nay cần rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn cho phù hợp, có kế hoạch, lộ trình để việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã, khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh.

Với kinh nghiệm là một doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong công tác nghiên cứu, sản xuất và cung cấp “Lò đốt rác thải sinh hoạt” hàng chục năm qua, T-TECH đã triển khai hàng trăm dự án lớn nhỏ ở 28 tỉnh/thành phố trên cả nước. Có 03 phương thức nguồn vốn đầu tư chính được T-TECH khuyến cáo: Đối với khu xử lý rác có công suất <50 tấn/ngày: Nên chọn Phương thức 1 (100% ngân sách Nhà nước) vì với lượng rác <50 tấn/ngày rất khó thu hút nhà đầu tư xử lý rác. Nếu đầu tư tư nhân thì tính khả thi không cao, thường là lỗ. Đối với khu xử lý rác có công suất từ 50 - 100 tấn/ngày: Nên thu hút nhà đầu tư tại “địa phương” sẽ thuận lợi hơn, dễ dàng hơn. Với công suất <100 tấn/ngày sẽ khó thu hút các nhà đầu tư lớn, đặc biệt khi họ ở xa, ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Đối với khu xử lý rác có công suất >100 tấn/ngày: Nhà nước nên yêu cầu 100% vốn của doanh nghiệp.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV