“Hưởng lợi” 3.000- 5.000 tỷ đồng mỗi năm

Một doanh nhân nằng nặc mời tôi dự lễ khai trương đại lý xe máy Honda của anh tại ngoại thành Hà Nội. Tôi biết anh rất vui vì từ lâu anh đã đặt ra mục tiêu này và cuối cùng đã thực hiện được mơ ước của mình.

Anh tâm sự rằng, một đại lý xe máy Honda tại Hà Nội có thể thu lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng mỗi tháng khi bán được khoảng 250 xe máy, trong đó hơn một nửa là xe tay ga. Các loại xe tay ga được bán chênh so với giá đề xuất của công ty trong khoảng 2-10 triệu đồng mỗi chiếc. Với hơn 100 chiếc được tiêu thụ, anh đã kiếm được khoản lời hơn 300 triệu mỗi tháng.

Bên cạnh đó, còn hơn 100 xe số, cũng thường có giá bán chênh từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng/chiếc nữa. Ngoài ra, giá mua từ Công ty Honda thường thấp hơn giá đề xuất để còn được trừ chiết khấu bán hàng và các công đoạn dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, bán phụ tùng đều có lãi.

Tình trạng bán xe “hai giá” đã tồn tại hơn 20 năm qua.

Anh cho biết, doanh thu từ một đại lý có thể lên tới cả tỷ đồng mỗi tháng. Trừ các chi phí thuê mặt bằng lương người lao động, lãi suất ngân hàng, thuế… hàng tháng cũng có 300 triệu đồng bỏ túi. “Tôi ấm rồi, ông ạ”, anh nói với tôi.

Vị doanh nhân này không nói thì tôi cũng biết những con số đó vì có mấy chục năm theo dõi ngành ô tô, xe máy.

Câu chuyện bán xe “hai giá”, hay là “chênh giá”, trên thị trường xe máy chủ yếu thuộc về các sản phẩm của Công ty Honda Việt Nam và bắt đầu từ cuối những năm 1990, khi mẫu Honda Future, Wave Alpha ra đời. Sau này, tình trạng “hai giá” được kéo dài và thậm chí phát triển lên một mức độ mới với các mẫu xe tay ga như Click, Air Blade, Leed, Vision, SH... Trong hơn 20 năm qua, tình trạng xe máy Honda “hai giá", đã trở nên phổ biến, đặc biệt vào thời điểm cuối năm.

Theo dõi thị trường nhiều năm qua tôi biết, những mẫu xe tay ga hàng “hot” luôn luôn được các đại lý nâng giá bán lên cao hơn giá đề xuất từ vài triệu tới vài chục triệu đồng. Tất nhiên, mánh này không để lại dấu vết vì khi viết hóa đơn giao cho khách để làm thủ tục đăng ký xe, đại lý chỉ ghi đúng bằng giá đề xuất của Công ty Honda Việt Nam, phần chênh lệch bị bỏ ra ngoài. Nhờ bán xe “chênh giá” mà các đại lý xe máy Honda tại Việt Nam đã thu về một khoản lợi nhuận “khủng” hàng năm. Chuyện thuế má với Nhà nước và lợi ích thực của khác hàng cũng chẳng mấy được quan tâm.

Hiện nay Honda Việt Nam bán được khoảng 2 triệu xe máy các loại mỗi năm, trong đó chiếm 50% là xe máy tay ga. Với khoảng 800 đại lý trên cả nước, bình quân 1 đại lý bán 2.500 xe/năm. Chỉ tính riêng xe tay ga, bình quân một đại lý bán 1.250 chiếc/năm và giá chênh so với giá đề xuất là 3 triệu đồng, thì một đại lý đã bỏ túi số tiền gần 4 tỷ đồng/năm. Với gần 800 đại lý thì số tiền chênh lệch đã lên tới khoảng 3.000 tỷ đồng/năm. Thời điểm 2017-2019 là lúc các đại lý hưởng lợi nhất khi doanh số bán xe ở đỉnh cao, con số này rơi vào khoảng trên 5.000 tỷ đồng/năm.

Cũng tương tự như vậy là với thị trường ô tô, nhiều mẫu xe ăn khách thường có nhu cầu cao nên phải chờ đợi lâu. Muốn có xe sớm khách hàng thường phải chấp nhận mua  hai giá, trả chênh lệch từ vài chục triệu lên đến cả trăm triệu đồng, hoặc phải mua những bộ phụ kiện là hàng trôi nổi, có chất lượng thấp với giá bán trên trời, đắt gấp hàng chục lần. Số tiền chênh này cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Công khai phạm pháp

Với rất nhiều người Việt Nam, xe máy không chỉ là phương tiện giao thông thuần túy là là tài sản. Nhiều người chắt bóp ăn tiêu, tiết kiệm hàng năm trời mới đủ tiền để mua xe. Vậy mà xe lại bị đội giá, chênh giá khiến cho họ không khỏi bức xúc.

Hơn nữa, Nhà nước còn bị thất thu một khoản thuế, phí đáng kể bao gồm lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… của số tiền bán chênh giá được các đại lý để ngoài sổ sách.

Một chiếc xe máy bán giá 45 triệu đồng mà đại lý chỉ ghi vào hóa đơn 35 triệu đồng thì, rõ ràng, đó là hành vi trốn thuế, vi phạm pháp luật.

Câu chuyện bán xe “hai giá”, không phải là mới mà đã tồn tại nhiều chục năm qua và công khai. Dư luận đã lên tiếng nhiều, các đại biểu Quốc hội đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính tại nghị trường, nhưng chưa hề bị các cơ quan chức năng xử lý. 

Nhiều mẫu ô tô ăn khách muốn có xe sớm khách hàng thường phải chấp nhận mua  hai giá, trả chênh lệch từ vài chục triệu lên đến cả trăm triệu đồng.

Đến bây giờ, Tổng cục Thuế mới có công văn gửi cục thuế các địa phương, yêu cầu thực hiện quản lý với doanh nghiệp, đại lý kinh doanh ô tô, xe máy. Cơ quan này cho biết, gần đây đã nhận phản ánh tình trạng một số đại lý, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy có hiện tượng bán xe "hai giá", nên chỉ đạo các cục thuế địa phương tăng cường rà soát hóa đơn, phân loại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có dấu hiệu rủi ro không xuất hóa đơn, ghi giá hóa đơn thấp hơn giá thực tế để có kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đột xuất.

Ngành thuế sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý khác để lập các đoàn kiểm tra liên ngành, trao đổi thông tin với các ngân hàng để xác minh việc thanh toán trực tuyến, đối với tài khoản của tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ khi mua bán ôtô, xe máy. Nếu phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm, các cục thuế được yêu cầu chủ động phối hợp, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra.

Có thể thấy rằng, với những biện pháp trên của tổng cục Thuế, chắc chắn hiện tượng bán xe “hai giá” từ nay sẽ không còn công khai và ngang nhiên lộng hành như trước nữa. Tuy nhiên, một mình Tổng cục Thuế vào cuộc, sẽ chỉ hạn chế được phần nào chứ không thể xử lý dứt điểm tình trạng này. Nếu đại lý yêu cầu khách hàng trả phần chênh giá bằng tiền mặt và khách hàng chấp nhận thì sẽ khó có thể ngăn chặn được.

Để xử lý tận gốc vấn đề này cần có những giải pháp tổng thể từ các cơ quan quản lý. Trước hết cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, có cơ chế cho người tiêu dùng tố cáo những vi phạm này khi có chứng cứ đầy đủ.

Quan trọng hơn là các giải pháp về thị trường. Chẳng hạn, có thể xem xét giảm thuế nhập khẩu với xe máy nguyên chiếc từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… để tăng nguồn cung cho những mẫu xe ăn khách, tạo ra sự cạnh tranh làm giảm giá bán.

Với ngành ô tô, việc gia nhập thị trường hiện nay rất khó khăn, bởi các “rào cản” điều kiện kinh doanh quá cao. Phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ra nhập và rút lui khỏi thị trường thuận lợi, để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia sản xuất kinh doanh. Từ đó tăng tính cạnh tranh và giúp tăng nguồn cung. Nguồn cung tăng, sẽ tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng thì hiện tượng bán xe hai giá mới có thể chấm dứt.

Trần Thủy