Sáng 2/10, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023.
Qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu dân cư tỉnh Vĩnh Phúc đều tổ chức Ngày hội trong không khí vui tươi, phấn khởi, trang trọng, ôn lại truyền thống vẻ vang qua từng chặng đường kể từ ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và cùng khẳng định vai trò quan trọng của công tác Mặt trận trong tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Nhìn chung, công tác tổ chức Ngày hội đã đi vào nền nếp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, góp phần mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, 100% khu dân cư tổ chức phần lễ, trên 90% các thôn, tổ dân phố đã tổ chức được "Bữa cơm Đại đoàn kết" với quy mô khác nhau, phù hợp với từng khu dân cư, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Nhiều khu dân cư đã huy động được sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của những người con xa quê, các doanh nghiệp, nhân dân cùng chung tay để tổ chức Ngày hội, trên 95% hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Ngày hội còn là diễn đàn trao đổi, đối thoại giữa các thành viên trong thôn, tổ dân phố hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng dân cư, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.
Trong những năm qua, thông qua tổ chức Ngày hội, các Phong trào, các Cuộc vận động được triển khai thực hiện hiệu quả. Trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng, tổ dân phố văn hóa” ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi năm có từ 90% trở lên hộ được công nhận Gia đình văn hóa và được biểu dương trong ngày Hội.
Tính gắn kết cộng đồng là giá trị xuyên suốt trong quá trình tổ chức Ngày hội. Nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, đoàn kết. Tình làng, nghĩa xóm trong mỗi cộng đồng được nhân lên qua những hoạt động san sẻ với các gia đình khó khăn, hoạn nạn.
Từ năm 2003 - 2022, Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội các cấp đã vận động được trên 165,3 tỷ đồng; xây mới, sửa chữa được 18.171 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo trị giá gần 301,6 tỷ đồng; tổ chức thăm và tặng gần 90.000 suất quà với tổng trị giá trên 25 tỷ đồng cho người nghèo, các đối tượng thuộc gia đình chính sách…; hỗ trợ giống vốn, tư liệu sản xuất, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo với số tiền gần 10 tỷ đồng.
Cũng từ sự lan tỏa của Ngày hội, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả của gần 2.000 mô hình tự quản; nhiều mô hình, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như: Mô hình câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Xứ họ, đạo tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường”, “Tổ thu gom rác thải”, “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”…
Các huyện, thành phố trong tỉnh đã nhân rộng mô hình, các câu lạc bộ đến 100% thôn, tổ dân phố; đến nay, toàn tỉnh có trên 2.000 câu lạc bộ thể thao; trên 2.656 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng... góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, đồng thời, phát huy sức mạnh của toàn dân cùng địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội phồn vinh, thịnh vượng.
Kết quả đến nay toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 4 huyện, thành phố về đích và hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 102/102 xã nông thôn mới, 13 xã nông thôn mới nâng cao, 61 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, bảo vệ môi trường. Bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội bảo đảm. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh, để đạt được kết quả đó, luôn có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh. Thông qua tổ chức Ngày hội để mỗi người dân hiểu được vị trí, vai trò, trách nhiệm của MTTQ trong thời kỳ mới. Để mỗi người dân xác định trách nhiệm của mình trong việc tập hợp, phát huy khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiểu được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng quê hương mình, gia đình mình ấm no, hạnh phúc mà trung tâm của khối Đại đoàn kết là MTTQ Việt Nam.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Tuấn Khanh đề nghị thời gian tới, MTTQ các cấp chủ động đề xuất giải pháp mới, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức Ngày hội Đại đoạn kết toàn dân, lựa chọn chủ đề hằng năm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, để Ngày hội trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần quan trọng, tạo động lực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng tại các địa phương.
Đồng thời, bám sát yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, hằng năm, xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức Ngày hội trên những địa bàn có tính chất đặc thù, địa bàn có đông đồng bào tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc, địa phương còn nhiều khó khăn. Đa dạng hình thức huy động nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương tổ chức Ngày hội; chú trọng phát hiện, tôn vinh và biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, các mô hình hữu ích cho cộng đồng, làm cơ sở thu hút, tập hợp và phát huy các giá trị trong tổ chức Ngày hội tại mỗi địa phương.