Hoàn thành 46/71 nhiệm vụ về cải cách hành chính

Xác định phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và các ứng dụng, dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp là giải pháp cốt lõi để nâng cao năng suất lao động, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị công, phát triển kinh tế, quản lý xã hội và phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ ngày 1/1/2022 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai hệ thống thông tin giải quyết tục hành chính tỉnh đặt tại Trung tâm Dữ liệu IDC của Tập đoàn Bưu Chính Viễn thông kết nối với 11 hệ thống của Trung ương, 8 hệ thống phần mềm ứng dụng của tỉnh.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đang thực hiện 1.865 dịch vụ công, trong đó có 957 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 660 dịch vụ công trực tuyến một phần và 248 dịch vụ công khác. Đồng thời, tích hợp 1.289 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động của phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; đẩy mạnh chữ ký số, ứng dụng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP tỉnh.

vinhphuc.png
Chiều 19/10, Đoàn Kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023 của thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã có buổi làm việc tại Vĩnh Phúc. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính tỉnh Vĩnh Phúc xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp 4/11 tỉnh, thành thuộc đồng bằng Sông Hồng.

Tính đến 30/9/2023, Vĩnh Phúc đã hoàn thành 62/133 nhiệm vụ Chính phủ giao; các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố hoàn thành 46/71 nhiệm vụ UBND tỉnh giao, đạt 64,7%; 25 nhiệm vụ còn lại đang được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, thời gian quy định.

Cụ thể, đối với nhiệm vụ cải cách thể chế, 9 tháng năm 2023, cả tỉnh ban hành 49 văn bản quy phạm pháp luật; UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 86 thủ tục hành chính. Đến nay, Vĩnh Phúc đã rà soát, cắt giảm được trên 20% thời gian giải quyết của 825 thủ tục hành chính; cắt giảm 4.998 ngày làm việc. Trong đó, cấp tỉnh cắt giảm được thời gian giải quyết 679 thủ tục hành chính và 4.216 ngày làm việc; cấp huyện cắt giảm được thời gian giải quyết 117 thủ tục hành chính và 166 ngày làm việc.

Nỗ lực tạo sự minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký 42 quyết định công bố 525 thủ tục hành chính và cập nhật kịp thời các thủ tục này lên Cơ sở dữ liệu Quốc gia và được kết nối, tích hợp, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa, một cửa liên thông cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. 9 tháng năm 2023, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tiếp nhận 190.111 hồ sơ; cấp huyện tiếp nhận 185.098 hồ sơ, trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn ở cấp tỉnh đạt xấp xỉ 94%, cấp huyện đạt trên 96%.

Thực hiện nhiệm vụ cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về phân cấp, quản lý cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh…

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới cách thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển; đổi mới phương thức tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức, viên chức; thực hiện tốt các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.

Quyết tâm tạo ra đột phá trong cải cách hành chính

Chia sẻ tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023 mới đây, ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Việc Vĩnh Phúc rút ngắn được thời gian và đơn giản hóa được các thủ tục hành chính so với trước là bởi tỉnh đã và đang áp dụng nhiều sáng kiến như: Sử dụng Zalo tra cứu, thông báo tình trạng và kết quả giải quyết hồ sơ; kết nối liên thông giữa phần mềm "Một cửa hành chính công” và phần mềm chuyển phát nhanh (EMS) để thực hiện tiếp nhận và đăng ký dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; chuyển kinh phí thi đua khen thưởng qua tài khoản; cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thi đua khen thưởng từ 25 ngày xuống còn 12 ngày, giảm 13 ngày so với quy định của Trung ương...

Bên cạnh đó, tỉnh sử dụng bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) để khảo sát, đánh giá thường niên đối với các sở, ngành và địa phương đã mang lại những kết quả tích cực, được các đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đưa Vĩnh Phúc xếp thứ 7/63 tỉnh, thành về chỉ số PAR INDEX; đứng thứ 9 về chỉ số PCI và thứ 9/63 tỉnh, thành về chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) trong năm 2022.

Quyết tâm tạo ra các đột phá trong cải cách hành chính, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở lấy ý kiến của Nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…

Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ, công chức, tài chính công; triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; phát triển đồng bộ, hiệu quả phần mềm dùng chung của tỉnh, bảo đảm sự minh bạch, an toàn, an ninh thông tin, tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.

Thanh Sơn