Lò gạch Mang Thít Vĩnh Long được mệnh danh là vương quốc đỏ nằm bên cạnh dòng sông Cổ Chiên. 

Với tuổi đời hàng trăm năm, huyện Mang Thít được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất cả nước, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Những lò nung gạch là di sản độc đáo về kiến trúc và phương thức sản xuất của làng nghề truyền thống địa phương có sự kết hợp, giao thoa văn hóa của các dân tộc Khmer, Kinh và Hoa.

W-mangthit.png
Huyện Mang Thít được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất cả nước, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới

Trước yêu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Long xác định bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít với các giá trị di sản văn hóa độc đáo trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế. Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn về du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề với chất lượng hàng đầu về điểm tham quan/trải nghiệm, ăn nghỉ, lữ hành, kết nối, lan tỏa tác động tới các khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thông qua việc kế thừa, sáng tạo, đổi mới, mang tới “ngôn ngữ mới” cho di sản, Đề án Di sản đương đại Mang Thít thể hiện dấu ấn của thế hệ hiện nay khi biết trân trọng, chuyển đổi, bồi đắp phương thức sinh kế và văn hóa trên nền di sản cũ trong bối cảnh hiện đại, thích ứng linh hoạt với các vấn đề đang đặt ra, như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, đa bản sắc, năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn và chia sẻ,… Qua đó, việc thực hiện Đề án vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, vừa giúp người dân chuyển đổi sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống (với việc khắc phục được tác động gây ô nhiễm môi trường không khí tại địa phương do hoạt động của các lò gạch thông qua việc chuyển đổi công năng sử dụng của lò mà không làm thay đổi sinh kế của người dân), tạo đà cho Mang Thít đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Để triển khai Đề án, tại Kỳ họp lần thứ năm, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa X ban hành Nghị quyết số 44/2022/NQ-HĐND, ngày 14-12-2022, “Quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thực hiện Đề án Di sản dương đại Mang Thít  tỉnh Vĩnh Long” (gọi tắt là Nghị quyết số 44/2022/NQ-HĐND). Theo đó, toàn bộ lò gạch, gốm trong vùng di sản khoảng 3.060ha thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) được bảo tồn, hiện đã có 364 hộ dân cam kết giữ lại 653 lò. Nghị quyết cũng đề ra những quy định cụ thể về định mức và thời gian hỗ trợ đối với từng loại lò truyền thống, tạo cơ sở, động lực để người dân đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương của tỉnh.

Ngày 2-6-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long cũng ban hành Kế hoạch số 07/KH-BCĐ triển khai Đề án Di sản đương đại Mang Thít năm 2023, yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp nhịp nhàng trong tổ chức triển khai Đề án theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ và thời gian quy định.

Nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là tuyên truyền, vận động người dân dừng phá dỡ các lò gạch hiện trạng, bảo vệ nguyên trạng để phát triển du lịch, dịch vụ; tổ chức khảo sát, thống kê số lượng lò và chi hỗ trợ chính sách cho người dân theo Nghị quyết số 44/2022/NQ-HĐND; tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/10.000) cho vùng di sản (3.060ha). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long theo dõi, đôn đốc tiến độ triển khai các nhiệm vụ được giao và báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai về Ủy ban nhân dân tỉnh để được hỗ trợ, giải quyết; đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung trong Kế hoạch.

Nhóm PV