Như người đứng đầu Chính phủ khẳng định tại hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, chúng ta đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội và đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu được giao với 10 điểm sáng nổi bật.
Những điểm sáng giữa đại dịch
Cùng với việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế nước ta đang phục hồi tích cực. Cụ thể, tăng trưởng GDP phục hồi trong quý 4/2021 đáng khích lệ, tăng 5,22% so cùng kỳ, cả năm GDP tăng 2,58%, thấp hơn kế hoạch đề ra, song vẫn cao hơn năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp. Lạm phát được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị Chính phủ với các địa phương |
Đặc biệt, xuất khẩu là điểm sáng với thặng dư thương mại ở mức khá, góp phần phục hồi kinh tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 668 tỷ USD, tăng 22,6%; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đáng chú ý là thu ngân sách cả năm ước vượt dự toán, tăng 16,4%, cao hơn mức tăng 11,3% của năm 2020. Với mức thu này, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác.
Một trong 10 điểm sáng được Thủ tướng nêu bật còn có chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ vượt bậc.
Người đứng đầu Chính phủ dẫn báo cáo của một số tổ chức nghiên cứu quốc tế cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) và xếp hạng 14/50 trong khu vực châu Á về quy mô kinh tế internet. Kinh tế internet Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD năm 2021 (khoảng 5,8% GDP năm 2021), tăng 31% so với năm 2020. Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á (sau Indonesia và Singapore) về thu hút vốn đầu tư vào Fintech, chiếm 11% tổng số vốn của khu vực, đạt khoảng 4 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2020...
Câu chuyện ngành gỗ vẫn thu về hàng tỉ USD giữa đại dịch nhờ chuyển đổi số là một minh chứng về việc “trong cái khó ló cái khôn” của người Việt Nam.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết, ngay trong năm đầu tiên đại dịch diễn ra, các doanh nghiệp Việt đã thích ứng nhanh với sự đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động liên lạc với khách hàng thông qua các kênh thương mại điện tử, giữ liên lạc với các đối tác thông qua công nghệ, showroom trực tuyến và hạ tầng công nghệ sẵn có.
“Nếu Covid-19 xảy ra 5 năm trước đây, tôi nghĩ sẽ thiệt hại kép là vừa đứt gãy thị trường, vừa không đảm bảo được liên lạc với khách hàng”, ông Phương chia sẻ.
Cũng theo ông Phương, trong suốt đợt dịch cao điểm lần thứ tư, 50% các nhà máy vẫn duy trì sản xuất “3 tại chỗ”. Vượt qua được những thách thức của dịch bệnh Covid-19 lần này có đóng góp rất lớn của công nghệ, và sự gan lì của người Việt Nam.
Tất cả những dịch vụ mà Hiệp hội đang cung cấp cho hội viên luôn luôn lấy xương sống là công nghệ. Đầu năm 2020, FPT đã hỗ trợ tổ chức các hội nghị trực tuyến, các khóa huấn luyện trực tuyến. Nhờ vậy, các đơn vị đã có một nền tảng về triển lãm trực tuyến, hiện vẫn duy trì liên tục showroom ảo trên nền tảng đó.
Ngoài ra, chúng ta đã cơ bản hoàn thành và chính thức vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021; tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 96%; đưa vào vận hành nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến VOV Bacsi24; kết nối trực tuyến từ Chính phủ đến gần 100% xã, phường, thị trấn tại các tỉnh, thành phố…
Cả nước cuốn vào dòng chảy chuyển đổi số
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, chính những thách thức do dịch bệnh gây ra đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số ở khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Điển hình rõ nhất là chuyển đổi số trong ngành Y tế, trong đó phải kể đến nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) được đưa vào vận hành từ tháng 4/2020, kết nối hơn 30 bệnh viện trung ương với hơn 1.600 cơ sở y tế tuyến dưới. Đến nay, đã có 1.600 hồ sơ, 500 buổi hội chuấn, hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức và được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải các bệnh viện tuyến trên.
Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ vượt bậc trong năm 2021 |
Kể từ ngày 6/8/2020, nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được kết nối với 100% cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid-19 được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.
Ngoài ra còn có Mạng kết nối y tế Việt Nam kết nối hơn 500 nghìn cán bộ y tế trên toàn quốc, giúp các bác sĩ hỗ trợ trao đổi chuyên môn, chia sẻ, tương tác trong chẩn đoán, hình ảnh, điều trị để 1 bác sĩ tuyến trên có thể kết nối hỗ trợ 4 bác sĩ tuyến dưới. Mạng này giúp cán bộ y tế tuyến dưới tự tin hơn khi chẩn đoán, điều trị. 100% cán bộ y tế toàn quốc đã tham gia Mạng kết nối y tế Việt Nam.
Ngành Y tế đã phối hợp với cơ quan chức năng khởi tạo được 98 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử. Từ ngày 1/7/2021, các cơ sở khám chữa bệnh ngoại trú chính thức áp dụng bệnh án điện tử, không dùng hồ sơ giấy. Nhờ đó, cán bộ y tế giảm thiểu việc phải viết hồ sơ giấy, dành được nhiều thời gian hơn cho công tác khám chữa bệnh. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh ngành Y tế đang chịu nhiều áp lực lớn trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, muốn chiến thắng Covid-19, chỉ có cách hành động nhanh hơn Covid. Không thể thắng Covid mà không chuyển đổi số chống Covid. Việt Nam cần có đầy đủ dữ liệu tức thời và trí tuệ nhân tạo (AI) để người dân có thể điều chỉnh hành vi, được chăm sóc, điều trị tại nhà, kết nối với chính quyền, cơ sở điều trị khi bệnh chuyển nặng, và để giúp lãnh đạo các cấp ra quyết sách kịp thời, chuẩn xác.
Ông nêu dẫn chứng FPT được giao nhiệm vụ đồng hành cùng quận 7 (TP.HCM) chống dịch bằng chuyển đổi số thông qua việc dùng AI để giao tiếp, giải đáp các thắc mắc của người dân và chuyển đến cấp có thẩm quyền giải quyết.
AI đóng vai trò trợ lý của các lực lượng y tế, gọi điện thăm hỏi, thu thập dữ liệu về sức khỏe thường xuyên, kịp thời để hướng dẫn chăm sóc, giúp bác sĩ tập trung điều trị, nâng cao hàng chục lần số bệnh nhân được điều trị bởi một bác sĩ. AI đã thực hiện 2,6 triệu lượt cuộc gọi và hỗ trợ 1,6 triệu người dân trong đại dịch vừa qua.
Câu chuyện chuyển đổi số trong ngành giáo dục cũng là minh chứng rõ nhất về việc “biến thách thức thành cơ hội”. Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Bộ Giáo dục và Đào tạo Tô Hồng Nam cho biết, đại dịch Covid-19 có thể coi là cú huých với các trường học trong cả nước để tăng tốc tiến trình chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo.
Trong 2 năm vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã ghi nhận tỷ lệ học sinh học trực tuyến đạt 80% trên cả nước. Năng lực số của đội ngũ giáo viên đã gia tăng đáng kể thông qua việc sử dụng thành thạo, hiệu quả và sáng tạo các giải pháp công nghệ phục vụ giảng dạy. Nhiều trường học đã sớm đầu tư một hệ sinh thái số từ việc dạy và học trực tuyến đến hệ thống quản trị không giấy tờ và tổ chức bài bản các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, nhân viên và giáo viên.
Ở góc độ địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhìn nhận, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để giúp chúng ta hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế, là cơ hội tạo ra những bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển.
Chính vì vậy, Thái Nguyên quan tâm hết sức đặc biệt đối với vấn đề chuyển đổi số. Tỉnh đã rất nhanh nhạy, trở thành một trong những địa phương đầu tiên trong toàn quốc ban hành nghị quyết về chuyển đổi số và có Ngày Chuyển đổi số. Hiện Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh thành phố về chuyển đổi số, trong đó, chính quyền số đứng thứ 3 toàn quốc.
“Chúng tôi nhận thấy rất rõ ràng, chuyển đổi số thành công sẽ giúp phát huy được hết những tiềm năng, lợi thế của mình trong phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch, kèm theo là phát triển về hệ thống thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao..., góp phần tạo ra giá trị tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững”, bà Hải nhấn mạnh.
Đặc biệt, chuyển đổi số đã giúp Thái Nguyên vững vàng kiểm soát dịch bệnh thông qua việc quản lý các khu cách ly F1, F2, quản lý người ra vào tỉnh rất hiệu quả… Nhờ đó, Thái Nguyên đã hoàn thành mục tiêu kép với mức độ tăng trưởng năm 2021 ước đạt 6,5%, cao hơn mức trung bình cả nước.
Chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế
Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ số đã khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ, biến thách thức thành cơ hội để hiện thực hóa thành kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng khẳng định, việc chuyển đổi số quốc gia thời gian qua đã có một số kết quả ban đầu quan trọng, nhất là khả năng làm chủ hạ tầng số. Việt Nam đang tích cực triển khai thương mại mạng 5G. Kinh tế số của Việt Nam đóng góp ngày càng nhiều vào GDP quốc gia và hướng tới mục tiêu đạt 20% GDP năm 2025.
Chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế |
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định, chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Việc phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 phụ thuộc không nhỏ vào kết quả chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số là một trong những yếu tố cốt lõi giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển, ứng dụng nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, để chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.
“Chuyển đổi số liên quan trực tiếp, mật thiết tới cả 3 khâu đột phá chiến lược được Đảng ta xác định là thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Chuyển đổi số một mặt đòi hỏi những điều kiện tương ứng về thể chế, hạ tầng, nhân lực, mặt khác, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai cả 3 đột phá chiến lược này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính tăng từ 8,2% năm 2020 lên đạt 9,6% năm 2021, tăng trưởng khoảng 14%. Các chuyên gia đánh giá, hiện tiềm năng kinh tế số của Việt Nam còn rất lớn và có thể đứng ở vị trí thứ hai trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Hoạt động đối ngoại trong đó có xuất nhập khẩu sẽ phát triển mạnh vì chuyển đổi số giúp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực quảng bá, xúc tiến xuất khẩu được thuận lợi hơn. Xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn vừa qua luôn là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Trong giai đoạn 10 tháng năm 2021, xuất khẩu vẫn tăng đến 17,5%.
Trong quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế số Việt Nam để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. |
“Việt Nam là một quốc gia đông dân số với gần 100 triệu dân. Lực lượng dân số trẻ chiếm tỉ lệ cao (khoảng 2/3), cơ cấu dân số đang ở giai đoạn “vàng”. Đây là thời cơ hiếm có để tăng cường ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo, tăng tốc trong tăng trưởng. Nếu không tận dụng trong giai đoạn này, cơ hội đó sẽ không bao giờ quay trở lại nữa”, ông Tuấn lưu ý.
Cũng theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam có thể được đặt cùng một vạch xuất phát điểm của cuộc chạy đua đường trường về công nghệ. Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể bứt phá, tăng tốc và điều chỉnh quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế.
“Con người – công dân số với trình độ lao động có kỹ năng và tay nghề số kết hợp với tài nguyên số sẽ cải thiện năng suất, giúp tạo ra năng lực cạnh tranh cao của nền kinh tế, đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho phục hồi nhanh và tăng trưởng nhanh”, ông nhấn mạnh.
Vì vậy, theo ông, về ngắn hạn, cần rà soát, hoàn thiện pháp luật theo hướng thuận lợi hóa mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp, chú ý đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, để phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng số.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn cũng khuyến nghị về việc đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng số, nền tảng số. Cần huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai, phát huy vai trò của các quỹ tài chính hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khuyến khích thương mại hoá và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh.
Ông cũng đề nghị đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong quản lý tài chính, thuế, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tăng cường đầu tư phát triển các hình thức khám, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ các sản phẩm và các công cụ hỗ trợ học tập, làm việc trực tuyến tại nhà… để góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí di chuyển, đi lại và chi phí giao dịch.
“Đây là những địa chỉ có thể hấp thụ tốt các khoản đầu tư, các gói chi tiêu can thiệp vào nền kinh tế, giúp phục hồi nền kinh tế một cách hiệu quả”, Viện trưởng Viện Kinh tế nói.
Thu Hằng
Hai quyết định chống dịch Covid-19 vô cùng khó khăn của Thủ tướng
Chỉ trong vòng 10 ngày, Thủ tướng phải đưa ra hai quyết định vô cùng khó khăn và mong người dân thấu hiểu, cùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh thành phía Nam.