Cao Phong là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, được biết đến là một trong những vựa cam lớn nhất miền Bắc. Tháng 11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện. Đến thời điểm này, cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh Hoà Bình có chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, được bảo hộ tại Liên minh châu Âu. Đây được coi là bước đột phá chiến lược về phát triển tài sản trí tuệ với mặt hàng nông sản, mở ra nhiều cơ hội đưa cam Cao Phong đến với người tiêu dùng. 

Trong niên vụ cam 2022 - 2023, đã có hàng chục tấn cam Cao Phong xuất khẩu sang Vương Quốc Anh. Kết quả phân tích mẫu cam xuất khẩu với trên 800 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật đều đảm bảo theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh và EU. Điều này đã chứng minh trình độ canh tác, mức độ an toàn của sản phẩm cam Cao Phong. 

Là địa phương có tỉ lệ dân tộc thiểu số cao, trước đây, bà con chỉ sống dựa vào nương rẫy và canh tác theo hướng truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ hoặc đi làm thuê theo mùa vụ, đời sống bấp bênh. Những năm qua chính quyền huyện Cao Phong luôn khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP vào quy trình chăm sóc và chế biến cam; kiên định sản xuất theo hướng xanh sạch dùng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh; tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc bón bổ sung các nguyên tố vi lượng an toàn trong quá trình phát triển quả; xây dựng và phát triển các hợp tác xã làm cầu nối liên kết giữa sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cam với thị trường.

Hiện nay nhận thức của hộ trồng cam Cao Phong đã thay đổi tích cực, theo hướng tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất. 

Theo thống kê, hiện toàn huyện Cao Phong có trên 1.740 ha cây ăn quả có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 ước đạt 22.000 tấn. Trong đó, riêng diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng ước đạt 18.000 tấn; diện tích cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có 536,77 ha.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, hiệu quả và đạt nhiều kết quả nổi bật, bộ mặt nông thôn tại Cao Phong có nhiều đổi mới, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm; các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân lồng ghép với công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, đặc biệt là mô hình trồng cam hữu cơ.