Tết cổ truyền dân tộc là dịp để mọi thành viên trong gia đình từ khắp mọi nơi trở về quây quần  sum họp, đón thời khắc giao thừa thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới. Tết là nền tảng tạo động lực cho việc duy trì hạnh phúc gia đình, kết nối các tế bào quan trọng để góp phần tạo nên một xã hội ổn định và hạnh phúc.

Tuy nhiên xã hội ngày càng phát triển nên tết cũng cần những đổi thay để tết thực sự vui hơn trong cuộc sống của người dân Việt Nam.

Tôi đã trải qua hơn bốn mươi cái Tết cổ truyền của dân tộc, mỗi giai đoạn tôi lại có những cung bậc cảm xúc khác nhau về tết. Nhưng có một quy luật gần như bất biến, Tết là lúc mọi người thân trong gia đình và anh em bạn bè tụ họp đông nhất, vui nhất và dễ bỏ qua những lỗi lầm thường ngày trong cuộc sống cho nhau.

Mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Hoàng Hà

Tôi còn nhớ như in những năm tháng khó khăn của đất nước ta, bữa cơm ăn hàng ngày không đủ phải độn khoai, sắn lẫn vào, chỉ có lúc nào có sự kiện trọng đại của gia đình mới có bữa cơm trọn vẹn có thịt, có cá.

Vì thế lũ trẻ con như chúng tôi chỉ trông vào ngày Tết để mong có bữa cơm có thịt cá, háo hức đến nỗi vừa tết xong lại đếm ngày chờ tết đến tiếp theo. Mà người lớn cũng như vậy thôi.

Vì thế Tết là dịp các gia đình chung nhau mổ lợn, mổ bò và tát ao bắt cá. Trong dân gian thường có câu “về quê ăn tết”. Những cái Tết trải qua là ký ức về bà, mẹ, vợ và đến nay là các con cứ loay hoay mâm cỗ cúng đơm cho 3 bữa một ngày.

Nhà nào cũng bày cỗ cúng sáng - trưa - chiều tối để cúng ông bà, tổ tiên, chưa kể có khách đến nhà là bày cỗ ra ăn uống tưng bừng no say.

Tuy nhiên, hoàn cảnh đã thay đổi, bữa ăn hàng ngày không là nỗi lo nhưng người dân chúng ta vẫn tiếp tục duy trì kiểu đón Tết như cũ, vẫn mua rất nhiều loại thực phẩm, vẫn cúng ngày 3 bữa với các loại món ăn.

Người phụ nữ Việt Nam vốn cần mẫn, chịu thương chịu khó hàng ngày. Trong ba ngày Tết, họ đặc biệt bận rộn và lu bù hơn với chuyện bếp núc ăn uống và thờ cúng, nào là chế biến các món ăn và rửa những chồng bát đĩa, xoong nồi, vừa xong buổi sáng lại chuẩn bị bữa cơm cúng buổi trưa, vừa xong buổi trưa lại chuẩn bị buổi chiều, cái vòng luẩn quẩn đó kéo dài đến khi hết Tết.

Đã đến lúc cần thay đổi văn hóa để tết vui hơn?

Có những nét văn hóa cổ truyền chúng ta phải gìn giữ để bản sắc dân tộc không bao giờ mất đi và cho các thế hệ con cháu mai sau được biết. Nhưng có những thứ chúng ta cần phải thay đổi để cuộc sống phù hợp hơn với thời đại mới.

Ví dụ, việc soạn mâm cúng đầy đủ với nhiều món ăn cầu kỳ cho ngày 3 bữa trong mấy ngày nghỉ tết có cần nữa không? Hay chỉ cần bữa đầu bữa cuối của Tết, còn ngày thường chỉ thắp nén nhang, hoa quả bánh kẹo với lòng thành kính và biết ơn các bậc sinh thành để tránh lãng phí và giải phóng cho chị em phụ nữ khỏi tất bật chuyện bếp núc, dành thời gian thăm thú anh em họ hàng, bạn bè làng xóm.

Tôi nghĩ, chúng ta không còn khái niệm ăn tết nữa mà chuyển qua vui Tết đón xuân rồi, thì nhà nhà cũng cần thay đổi nếp cũ bằng những nếp mới vui hơn, lành mạnh hơn khi hạnh phúc là của các thành viên trong gia đình đóng góp thì phụ nữ không thể là người ngoài cuộc.

Chúng ta không còn khái niệm ăn tết nữa mà chuyển qua vui Tết đón xuân

Có nên nghỉ Tết cổ truyền dài ngày?

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nhân dân ta đi lại chủ yếu bằng tàu hỏa, một số ít đi ô tô khách của nhà nước. Ô tô, xe máy cá nhân là đồ xa xỉ rất hiếm có.

Việc về quê ăn Tết là cả sự kiện trọng đại và công tác chuẩn bị phải cả năm. Nào là kinh phí để đi lại đắt đỏ và khó mua được vé tàu xe, nào là chuẩn bị quà cáp về biếu tặng vì mấy năm cả nhà mới được nhìn mặt nhau. Mọi người trao đổi với nhau bằng tem thư, cao hơn nữa là điện thoại bàn nhưng cũng phải tới bưu điện huyện, xã mới có để nghe.

Ngày nay mọi thứ đã trở nên rất dễ liên lạc bởi kinh tế phát triển. Dù xa đến mấy, trong nước cũng vài giờ máy bay là được “về quê”, phương tiện giao thông có đủ loại dịch vụ, xe ô tô cá nhân cũng rất phổ biến. Nền khoa học, công nghệ hiện đại đã kết nối mọi người với nhau theo thời gian thực.

Các thành viên trong gia đình gặp nhau thường xuyên chỉ tính bằng tuần, bằng tháng hay bất cứ lúc nào muốn về thăm quê, thăm nhà. Và hơn thế nữa, mọi người có thể gặp nhau hàng ngày từ giọng nói và hình ảnh chỉ cần có điện thoại thông minh và sử dụng rất thuận tiện, rồi camera lưu giữ hình ảnh cũng như đàm thoại trực tuyến… làm cho mọi người không còn là khoảng cách. Niềm vui, nỗi buồn có thể được chia sẻ từng phút do tiện ích của thiết bị công nghệ.

Vậy, mọi thứ thuận tiện, gần gũi như vậy thì có nên giữ Tết cổ truyền nữa hay không hay chỉ nghỉ tết dương lịch cho phù hợp với nhiều quốc gia trên thế giới để Việt Nam hội nhập?

Theo tôi, chúng ta nên giữ Tết cổ truyền của dân tộc vì đây chính là Việt Nam, sự khác biệt tạo nên sự hấp dẫn, là nền tảng văn hóa lâu đời cần gìn giữ cho thế hệ mai sau, bên cạnh đó cũng được xem như ngày sum vầy hạnh phúc mặc định của quốc gia dân tộc.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp. Nên chăng rút ngắn ngày nghỉ Tết cổ truyền xuống 4 ngày thay vì 9 ngày như hiện nay. Số ngày nghỉ còn lại nên chuyển sang tết dương lịch và ngày giỗ tổ Hùng Vương để chúng ta tránh thời gian dài đứt đoạn giao thương với quốc tế để phát triển tốt hơn mà vẫn giữ được tổng số ngày nghỉ trong năm cho tất cả mọi người.

Đất nước đã đổi thay thì Tết cổ truyền và con người Việt Nam cũng nên thay đổi, để phụ nữ Việt Nam thoát cảnh lầm lũi trong bếp ba ngày Tết.

Phan Văn Lâm (Viện nghiên cứu Pháp luật và kinh tế Asean)

Tết là dịp để kích cầu“Tết” với người Việt là thời điểm được nghỉ khá dài theo luật lao động. Ở đây, xin không bàn luận góc độ phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống mà nhìn Tết ở góc độ kinh tế.