Mới đây, Công ty Cổ phần An toàn thông tin CyRadar đã thực hiện một cuộc khảo sát với gần 1.000  phụ huynh có con trong độ tuổi đi học. Kết quả cho thấy 94,7% phụ huynh có cho con sử dụng thiết bị thông minh. 

Những vấn đề lo lắng nhất của các phụ huynh khi con dùng smartphone/máy tính gồm: Lạm dụng chơi game (75,5%);  Mải mê sống ảo trên mạng xã hội (69,1%); Vào các trang không lành mạnh (64,9%).

Khi được hỏi về nhu cầu, mong muốn sử dụng phần mềm công nghệ để giảm thiểu mối lo lắng nêu trên, 79,8% cho biết muốn có tính năng quản lý được thời gian sử dụng thiết bị kết nối Internet của con trẻ; 82,2% muốn có tính năng ngăn chặn web đen; 76,7% muốn ngăn chặn các game không phù hợp; và 77,8% muốn quản lý được danh sách các app (ứng dụng).

Đặc biệt, có tới 98,9% các bậc phụ huynh mong muốn có 1 sản phẩm phù hợp với mọi loại thiết bị: Android, iOS, Windows, Mac…, kết nối mọi loại mạng từ nhà đến trường, 4G-5G, và cả “câu” sang wifi hàng xóm…

“Với tư cách là một phụ huynh, tôi rất hiểu tâm trạng bị sốc xen lẫn phẫn nộ khi các bậc cha mẹ vô tình phát hiện con cái mình bị lợi dụng, tác động và xâm hại trên không gian mạng. Nhiều bậc phụ huynh khi giao cho con cái mình các thiết bị điện tử và cho phép chúng học tập, giải trí trong thế giới ảo đã không lường trước những hiểm họa vô hình luôn rình rập, bủa vây các con. Và đôi khi, chính người lớn cũng chưa trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về an toàn thông tin, kỹ năng xử lý khi gặp phải các nội dung xấu, thông tin lừa đảo, chứ chưa nói tới dạy con. Đây cũng là điều khiến CyRadar chúng tôi trăn trở để đưa công nghệ ứng dụng vào việc bảo vệ trẻ nhỏ trên không gian mạng”, đại diện CyRadar chia sẻ.

Chính vì thế, CyRadar đã hợp tác với nhà mạng Viettel phát hành giải pháp SafeMobile nhằm giúp các phụ huynh có thể quản lý được các thiết bị của con mình.

Tại Việt Nam thời gian qua, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ như SafeMobile để bảo vệ trẻ em trên mạng đã và đang được nhiều tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Nhiều giải pháp công nghệ được phát triển để bảo vệ trẻ em trên mạng. 

Theo bà Đinh Thị Như Hoa, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trên thị trường Việt hiện nay, có thể chia thành 3 loại công nghệ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Một là công cụ có sẵn trên các hệ điều hành (Windows, iOS, Android) hoặc trên các trình duyệt. Cụ thể là các ứng dụng giám sát, có thể giới hạn thời gian sử dụng, giới hạn nội dung sử dụng, giúp bảo vệ trẻ khỏi các nội dung xấu độc. Chẳng hạn, khi cài đặt YouTube Kid, cha mẹ có thể cài đặt chế độ lọc nội dung, vô hiệu hóa tính năng video gợi ý, đặt danh mục các kênh nên xem...

Hai là các ứng dụng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trên thiết bị đầu cuối. Chẳng hạn, phần mềm CyberPurify Kids giúp phát hiện và chặn lọc 15 loại nội dung độc hại trên Internet theo thời gian thực; Google Family Link giúp kiểm soát các thanh toán, tải về và nội dung nào được hiển thị; Kapersky Safe Kids giúp chặn quyền truy cập vào nội dung không phù hợp hoặc có hại, giới hạn thời gian sử dụng. 

Và ba là các kênh hỗ trợ phản ánh, kiểm tra như Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (hotline 111), hay Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (website vn-cop.vn, hotline 0963563571).

Để có thể bảo vệ tốt hơn nữa trẻ em trên môi trường mạng, giải pháp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ đã được nhiều người đề xuất triển khai sâu rộng hơn.

Cụ thể, thiết lập các kênh thông tin thân thiện để tiếp nhận phản ánh về những hình ảnh, video, nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo hướng tích hợp thành một đầu mối duy nhất; có cơ chế kết nối để các nhà cung cấp dịch vụ nội dung trên Internet, có thể tích hợp chế độ báo cáo tự động về các nội dung nguy hại, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia gồm thông tin, dữ liệu đặc tả về hình ảnh/video xâm hại trẻ em và có cơ chế để các cơ quan chức năng và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan tham gia cập nhật, phân tích thông tin nhằm ngăn ngừa việc đăng tải, chia sẻ các hình ảnh/video xâm hại trẻ em trên môi trường mạng dựa trên ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu lớn… Hướng tới kết nối với các cơ sở dữ liệu tương tự trong khu vực và của các cơ quan, tổ chức quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Triển khai giải pháp kỹ thuật nhằm thu thập, phân tích, giám sát tuân thủ thực hiện việc chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Các trang web có tên miền quốc gia “.vn”, các trang web có địa chỉ IP tại Việt Nam tự thực hiện lọc và hiển thị thông báo nội dung phù hợp với lứa tuổi theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam phát triển, làm chủ các công nghệ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng và các ứng dụng, nội dung giúp trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV