Tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số” hàng năm 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Trước đó, hồi giữa năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.” Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch này nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cách mạng 4.0.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ; phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng...

Kế hoạch này bao gồm chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng với người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chiến lược phát triển, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của từng cơ quan, tổ chức; công bố và tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số” hàng năm của ngành ngân hàng.

{keywords}
Bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số cũng đặt ra cho ngành ngân hàng nhiều thách thức trong vấn đề hoàn thiện các quy định pháp lý, đồng bộ, và chuẩn hóa cơ sở hạ tầng để kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số, thay đổi về nhu cầu, hành vi khách hàng, đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng.

Bên cạnh mục tiêu hiện đại hóa hạ tầng thanh toán, nâng cao khả năng kết nối, liên thông; triển khai mở rộng hạ tầng kết nối, cung cấp thông tin, ngành này cũng đặt mục tiêu xây dựng và triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước; hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số tại tổ chức tín dụng; phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, phổ biến kiến thức dịch vụ trên nền tảng số

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số cũng đặt ra cho ngành ngân hàng nhiều thách thức trong vấn đề hoàn thiện các quy định pháp lý, đồng bộ, và chuẩn hóa cơ sở hạ tầng để kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số, thay đổi về nhu cầu, hành vi khách hàng, đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng...

Vì vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trụng gian thanh toán chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục chú trọng và tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn, giảm thiểu tối đa các rủi ro phát sinh trong quá trình cung ứng, thực hiện các hoạt động ngân hàng trên môi trường số.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật.

Đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong việc tổ chức triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công an trong việc triển khai, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được kết nối, khai thác thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để phục vụ công tác xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.

Đối với các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cần chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng, công tác đảm bảo an ninh an toàn trên địa bàn và phối hợp với các sở ban, ngành, cơ quan liên quan trên địa bàn để tham mưu, thông tin kịp thời cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong triển khai nhiệm vụ, thực hiện những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số đảm bảo an ninh, an toàn phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra đề phát hiện xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng điện tử và công tác đảm bảo an ninh, an toàn tài sản, bảo mật thông tin khách hàng.

Thống đốc cũng yêu cầu tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch/chiến lược chuyển đổi số phù hợp với định hướng phát triển và nguồn lực, khả năng của đơn vị, trong đó chú trọng đến việc phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đổi mới, an toàn, tiện ích, phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, tăng cường trải nghiệm khách hàng.

Xây dựng và triển khai Khung quản lý rủi ro tổng thể bao gồm tối thiểu các rủi ro hoạt động, nghiệp vụ, công nghệ thông tin và pháp lý; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ về an ninh, an toàn thông tin; thường xuyên rà soát, đánh giá rủi ro để có phương án phòng bị và giải pháp ứng phó kịp thời..

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh tích hợp kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng sản phẩm, dịch vụ với trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt cho khách hàng, trong đó chú trọng đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, hành chính công.

Như Sỹ