Trong thông điệp video đăng tải trên mạng xã hội tối muộn 22/4 (giờ địa phương), ông Zelensky cũng cảm ơn Anh vì kế hoạch tái mở cửa đại sứ quán của nước này tại Kiev, đánh dấu quốc gia thứ 21 khôi phục phái đoàn ngoại giao ở thủ đô Ukraine.

Trước đó trong ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo, đại sứ quán của nước này tại Kiev sẽ hoạt động trở lại từ tuần tới và Anh cùng các đồng minh "sẽ không đứng im nhìn Nga xúc tiến chiến dịch tấn công dữ dội" vào Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuter

"Điều này cho thấy chúng tôi không phải là những người duy nhất tin vào chiến thắng của sự sống trước cái chết", ông Zelensky nói. 

Về phát biểu của một vị tướng Nga rằng, mục tiêu giai đoạn 2 chiến dịch tấn công quân sự của Moscow là nhằm thiết lập một hành lang trên bộ giữa vùng Donbass, miền đông Ukraine với bán đảo Crưm cũng như giành toàn quyền kiểm soát miền nam Ukraine để các lực lượng Nga có thể tiếp cận Transnistria, một khu vực ly khai ở Moldova, nơi Moscow đã cử binh lính tới đồn trú kể từ đầu những năm 1990, ông Zelensky cáo buộc đây là bằng chứng phản ánh chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin muốn "thâu tóm các nước khác".

CNN dẫn lời lãnh đạo Kiev nói, cuộc sống bình thường đang trở lại với các khu vực đã được các lực lượng Ukraine giải phóng khỏi sự kiểm soát của Nga. Cụ thể, 184 khu dân cư đã được rà phá bom mìn sót lại, các hoạt động nhân đạo đang diễn ra tại hơn 500 khu dân cư được giải phóng trong khi các dịch vụ y tế, giáo dục và tài chính cũng đang được khôi phục ở nhiều nơi.

Ukraine cần phương Tây trợ giúp thắng cuộc chiến với Nga

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, nước này đang trông chờ quốc tế viện trợ thêm vũ khí, đạn dược và tài chính cũng như áp thêm nhiều lệnh trừng phạt chống Nga. Phát biểu tại cuộc họp báo cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington ngày 22/4, ông Shmyhal bày tỏ cảm ơn Mỹ vì sự trợ giúp dành cho Kiev.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal (bìa phải) tại cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ  Antony Blinken tại Washington ngày 22/4. Ảnh: AP

Trước cuộc gặp ông Blinken, Thủ tướng Ukraine cho biết ông đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo tài chính đến từ khắp thế giới trong thời gian ở Washington. Ông lạc quan rằng, sau chuyến công du này, "trong những ngày, những tuần và những tháng tiếp theo, Ukraine sẽ chiến thắng và chắc chắn sẽ có kế hoạch tái thiết hoàn hảo".

Cũng theo ông Shmyhal, Ukraine rất mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và vì mục tiêu đó, nhiều người dân nước này đang hy sinh mạng sống của mình trong cuộc chiến do Nga phát động.

CNN dẫn lời Ngoại trưởng Blinken lưu ý, chuyến đi của ông Shmyhal là chuyến công du đầu tiên của một quan chức cấp cao Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát. Tuy nhiên, ông Blinken từ chối trả lời câu hỏi về đại sứ quán Mỹ ở Kiev. Các nguồn tin nói, hiện hai bên không thảo luận về việc tái mở cửa đại sứ quán Mỹ, sau khi các hoạt động của cơ sở này được di dời tạm thời sang Ba Lan để tránh xung đột.

Washington cảnh báo Moscow "trả giá đắt"

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland cảnh báo, Nga sẽ phải trả một cái giá đắt nếu Tổng thống Putin ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong chiến dịch tấn công quân sự đang tiếp diễn ở Ukraine. 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland. Ảnh: AP

Trong một cuộc phỏng vấn mới với hãng tin Pravda châu Âu của Ukraine, bà Nuland cho rằng, thế giới cần chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất là Moscow sẽ cho triển khai vũ khí hạt nhân. Bà từ chối hé lộ chi tiết về các cách thức ứng phó của phương Tây, nhưng nhấn mạnh chúng sẽ "vô cùng khủng khiếp" đối với nước Nga và bản thông ông Putin.

Khi được hỏi liệu Kiev có thể dựa vào sự trợ giúp của các đối tác phương Tây trong trường hợp đó hay không, bà Nuland trấn an Ukraine rằng nước này sẽ không bị bỏ mặc đơn độc. Quan chức này tiết lộ, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev và đã bắt đầu chuyển giao các hệ thống phóng đa tên lửa (MLRS). Washington cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đáp ứng các nhu cầu phòng vệ của Ukraine.

Australia gián đòn trừng phạt các con gái của ông Putin

Chính phủ Australia ngày 22/4 thông báo đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm đi lại đối với hai con gái của Tổng thống Putin và con gái của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Mỹ và Anh đã có động thái tương tự trước đó.

Theo BBC, đợt trừng phạt mới của Canberra cũng nhắm vào 144 thượng nghị sĩ Nga đã ủng hộ ông Putin công nhận độc lập của hai nước cộng hòa Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) tự xưng ở Donbass, Ukraine. Cho đến nay, chính phủ Australia đã giáng đòn trừng phạt gần 750 cá nhân và tổ chức của Nga vì cuộc chiến ở nước láng giềng.

Ngoại trưởng Australia Marisa Payne lưu ý, Canberra sẽ tiếp tục bắt Moscow phải trả giá bằng cách nhắm trừng phạt những người chịu trách nhiệm về chiến dịch tấn công Ukraine.

Tuấn Anh