Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã trao bảng câu hỏi khảo sát cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến công du của bà tới thủ đô Kiev ngày 8/4, đồng thời cam kết về khởi đầu nhanh hơn cho nỗ lực trở thành thành viên EU của Ukraine sau khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự vào nước này hồi cuối tháng 2.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trao bảng câu hỏi khảo sát xin gia nhập EU cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev ngày 8/4. Ảnh: AP

Tối 17/4, Ihor Zhovkva, Phó Chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky thông báo trên đài truyền hình Ukraine: "Hôm nay, tôi có thể nói rằng, phía UKraine đã hoàn tất tài liệu khảo sát".

Ông Zhovkva nói thêm, EC hiện sẽ cần đưa ra khuyến nghị dựa trên việc Ukraine đáp ứng các tiêu chí thành viên cần thiết. Quan chức này bày tỏ hy vọng các khuyến nghị sẽ tích cực và sau đó quyết định sẽ phụ thuộc vào các nước thành viên EU. 

Theo ông, Ukraine mong muốn có được tư cách nước ứng viên gia nhập EU trong một cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào tháng 6 sắp tới. Reuters trích dẫn lịch làm việc trên trang web của Hội đồng châu Âu cho hay, cơ quan này sẽ nhóm họp vào ngày 23 - 24/6. 

"Bước tiếp theo, chúng ta sẽ cần bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập. Và một khi các cuộc đàm phán đó được tổ chức, chúng ta đã có thể nói về tư cách thành viên đầy đủ của Ukraine trong EU", ông Zhovkva nhấn mạnh.

Kiev đề nghị G7 viện trợ bù thâm hụt ngân sách

Oleh Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine ngày 17/4 cho biết, nước này đã đề nghị nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7) viện trợ 50 tỷ USD, đồng thời kêu gọi quốc tế hỗ trợ tài chính qua nhiều kênh khác. Kiev cũng đang cân nhắc phát hành trái phiếu trả lãi định kỳ nhằm giúp nước này bù đắp thâm hụt ngân sách, liên quan đến cuộc xung đột quân sự với Nga, trong 6 tháng tới. 

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, ông Ustenko tiết lộ, các giải pháp trên đang được tích cực thảo luận. Quan chức này lưu ý, Ukraine đang mất khoảng 7 tỷ USD mỗi tháng vì chiến sự, nâng tổng thiệt hại trong giai đoạn 6 tháng lên mức xấp xỉ 50 tỷ USD. 

Cùng ngày, Tổng thống Zelensky cho hay, ông đã có cuộc trao đổi với Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva về sự ổn định tài chính của Ukraine và công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. 

"Hiện tại, chúng tôi đã có kế hoạch rõ ràng cũng như tầm nhìn về triển vọng. Tôi chắc chắn rằng hợp tác giữa IMF và Ukraine sẽ tiếp tục đạt hiệu quả", ông Zelensky viết trong một thông điệp trên Twitter.

Bà Georgieva sau đó xác nhận về cuộc điện đàm với ông Zelensky. Bà viết trên Twitter rằng, sự hỗ trợ là "cần thiết để tạo các nền móng cho việc tái thiết một nước Ukraine hiện đại, cạnh tranh".

Trước đó, hồi tháng 3, IMF đã thông qua khoản hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá 1,4 tỷ USD nhằm giúp Ukraine có thêm ngân sách chi tiêu và củng cố cán cân thanh toán.

Ukraine sẽ không từ bỏ lãnh thổ phía đông

Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN phát sóng ngày 17/4, Tổng thống Zelensky tuyên bố, Ukraine sẽ không từ bỏ lãnh thổ ở phía đông để chấm dứt chiến tranh với Nga. Ông thừa nhận, giao tranh ở khu vực này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện của cuộc chiến.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: CNN

Người đứng đầu chính phủ Ukraine cho rằng, bằng cách chiếm được vùng Donbass, các lực lượng Nga có thể một lần nữa tìm cách thâu tóm thủ đô Kiev. Tuy nhiên, ông khẳng định bản thân sẵn sàng cùng Nga tìm kiếm giải pháp chấm dứt chiến tranh thông qua đối thoại, ngoại giao.

Theo báo Guardian, trong một thông điệp video cùng ngày, ông Zelensky cũng cảnh báo về một đợt tiến công sắp tới của quân Nga vào miền đông đất nước.

"Họ (Nga) muốn tiêu diệt và tàn phá Donbass đúng theo nghĩa đen. Phá hủy tất cả những gì đã từng mang lại vinh quang cho vùng công nghiệp này. Giống như cách binh lính Nga đang tàn phá Mariupol, họ muốn xóa sổ các thành phố và cộng đồng khác ở khu vực Donetsk và Luhansk", ông Zelensky nhận định.

Moscow chưa lên tiếng phản hồi về các cáo buộc của Tổng thống Ukraine.

Tuấn Anh