Các phóng viên Reuters đã tận mắt nhìn thấy những hàng rào chắn bê tông trắng và các cuộn dây thép gai trải dài trên một cánh đồng rộng hơn 1km gần thành phố Kupiansk, đông bắc Ukraine hôm 28/12. Họ cũng chứng kiến những đường hào với khu sinh hoạt thô sơ đang được các lực lượng Kiev đào trong bóng tối, giữa lúc tiếng pháo ầm ầm cách đó không xa.
Các nhà phân tích quân sự cho biết, những hệ thống phòng thủ trên có một số điểm tương đồng với các hệ thống đã được triển khai ở khu vực phía nam và phía đông đang nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga. Chúng rõ ràng nhằm mục đích giúp Ukraine vượt qua các cuộc tấn công đồng thời tái tạo lực lượng khi Moscow đang nắm quyền chủ động trên tiền tuyến.
"Ngay khi quân đội di chuyển, băng qua các cánh đồng, bạn có thể hành động mà không cần công sự. Nhưng khi binh lính dừng lại, bạn cần phải đào ngay xuống lòng đất", một kỹ sư thuộc quân đội Ukraine tự nhận là Lynx, chia sẻ gần Kupiansk.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28/11/2023 từng thông báo, nước này đang "tăng cường đáng kể" các công sự, sau khi chiến dịch phản công bắt đầu từ tháng 6 cùng năm đã không thể nhanh chóng chọc thủng phòng tuyến của Nga.
Kiev nhấn mạnh không thay đổi tham vọng giành lại kiểm soát toàn bộ lãnh thổ lọt vào tay các lực lượng Moscow, nhưng họ hiện tập trung vào những cải cách quân dịch nhạy cảm về mặt chính trị để bổ sung nhân lực và giải quyết tình trạng thiếu pháo binh ở mặt trận.
Theo các nhà phân tích quân sự, Nga đã tăng áp lực tấn công xung quanh các thị trấn phía đông như Kupiansk, Lyman và Avdiivka, đồng thời không còn giữ lại quân dự bị vì lo ngại phía Ukraine có thể tạo đột phá.
Tổng thống Ukraine cho rằng, nước này cần đẩy mạnh các công trình phòng thủ và tăng tốc xây dựng chúng quanh 3 thị trấn nói trên, ở phần phía đông vùng Donetsk và ở các khu vực Kharkiv, Sumy, Chernihiv, Kiev, Rivne và Volyn. Những khu vực này trải dài từ phía đông Ukraine, dọc biên giới với Nga và Belarus, tới giáp nước đồng minh phía tây là Ba Lan.
Tư thế phòng thủ
Hiện không có dữ liệu công khai nào về cường độ hoặc quy mô xây dựng công sự của Ukraine. Kiev đã thiết lập các tuyến phòng thủ ở một số khu vực phía đông Donbass kể từ năm 2014, khi lực lượng nổi dậy bắt đầu chiếm giữ lãnh thổ. Họ cũng cho đào rất nhiều công sự ở những nơi như Avdiivka kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Jack Watling, nhà nghiên cứu cấp cao về chiến tranh trên bộ tại Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh nhận định, các công sự mạnh hơn sẽ làm chậm đà tiến của quân đội Nga và giúp Ukraine phải phân bổ ít quân hơn cho phòng thủ, giúp họ có thêm thời gian để huấn luyện bổ sung.
“Người Ukraine đang chuyển sang thế phòng thủ vì chiến dịch phản kích của họ đã lên đến đỉnh điểm”, ông Watling nhận xét, đồng thời lưu ý, các lực lượng Moscow đã giành lại thế chủ động trên tiền tuyến và có thể chọn nơi để tấn công.
Cũng theo nhà nghiên cứu Watling, trong bối cảnh kho đạn pháo của Ukraine ngày càng giảm, tỷ lệ thương vong của quân Nga cũng giảm, khiến Moscow dễ dàng thành lập các đơn vị mới hơn và có thể mở ra các tuyến tập kích mới theo thời gian.
Trong khi đó, phía Ukraine “đang cố gắng giảm thiểu thương vong cho mình, đồng thời tái tạo sức mạnh chiến đấu, phản công”. Các công sự cũng có thể được sử dụng để bảo vệ 2 bên sườn của Ukraine khi nước này khôi phục tấn công.
Thiết lập hệ thống “răng rồng”
Các phóng viên Reuters mới đây đã có cơ hội chiêm ngưỡng các chiến hào được người Ukraine đào bằng máy xúc và xẻng tại một địa điểm được giữ kín ở vùng Chernihiv, gần biên giới Nga.
Serhiy Naev, chỉ huy lực lượng hỗn hợp Ukraine, người giám sát khu vực quân sự phía bắc, chia sẻ với các phóng viên: “Khi dân thường hoàn thành công việc của họ (xây dựng các vị trí), chúng tôi sẽ rải mìn dày đặc”.
Tháng trước, nhóm phóng viên Reuters cũng đến thăm các chiến hào mới được Ukraine xây dựng ở Chornobyl, gần biên giới với Belarus. Theo chỉ huy Naev, việc xây dựng các công trình phòng thủ như vậy, dây thép gai, “răng rồng” (rào chắn bê tông) đang diễn ra ở toàn bộ khu vực hoạt động phía bắc, ở các vùng Sumy, Chernihiv và ở hướng Kiev. Chúng sẽ được khai thác như vật cản bê tông liên tục đối với các xe bọc thép của đối phương.
Một kỹ sư quân sự biệt danh "Thằn lằn" kể, họ thường lắp đặt "răng rồng" trước tiên, tiếp theo là những cuộn dây thép gai và sau đó là mìn. Ông nói, hầu hết những rào cản này lẽ ra phải được xây dựng sớm hơn nhiều, có thể là vào mùa xuân năm ngoái vì “việc này tốn quá nhiều thời gian”.
Một kỹ sư khác cho biết, Ukraine đang cố gắng giảm thiểu việc sử dụng mìn cho các công sự nhằm tránh để lại những loại đạn dược nguy hiểm trên lãnh thổ của mình.