Trung tuần tháng 6 năm 2023, Hội đồng Anh tại Việt Nam đã công bố chương trình UK/Viet Nam Season 2023 nhân dịp kỷ niệm 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam và 50 năm Vương quốc Anh và Việt Nam chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao. 

Với chủ đề Khí hậu và Môi trường và Di sản chung của chúng ta, chương trình UK/Viet Nam Season quy tụ sự tham gia của các nhà lãnh đạo tư duy, doanh nhân, học giả và nghệ sĩ đến từ nhiều tổ chức khác nhau thuộc Vương quốc Anh và Việt Nam để chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm, đồng thời cùng nhau thảo luận về mối quan hệ hợp tác hiện tại và tương lai thông qua các lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa, giáo dục và tiếng Anh.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc bảo vệ hành tinh của chúng ta và định hình một môi trường tốt hơn được triển khai tại nhiều trường học. 

Thông tin từ Hội đồng Anh cho biết, ứng phó với biến đổi khí hậu là chủ đề chính của chương trình, vì vậy nhiều hoạt động về chủ đề này sẽ được khởi động ngay trong năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo vệ hành tinh của chúng ta và định hình một môi trường tốt hơn, đáng sống hơn cho tương lai. 

Tại hội thảo “Khởi nghiệp sáng tạo và thách thức biến đổi khí hậu” dự kiến diễn ra vào tháng 9, sinh viên, học giả và các tổ chức giáo dục sẽ cùng làm việc với nhau để tìm cách thức cân bằng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng lớn nhằm đóng góp vào nguyện vọng và cam kết tại COP26 của Việt Nam là phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 qua chương trình Think tank: Ngành công nghiệp sáng tạo tại COP27. Chương trình gồm ba phần tập trung khuyến khích tư duy khởi nghiệp, tận dụng các mạng lưới đổi mới hiện có của Vương quốc Anh và Việt Nam để khám phá một cách sáng tạo các mối liên hệ giáo dục mới giữa nghiên cứu và kinh doanh. 

Những ý tưởng đổi mới, cách tiếp cận liên ngành và chia sẻ nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ được thảo luận và khám phá trước tiên tại Hội nghị chuyên đề Think Tank. Tiếp theo là cuộc thi Hackathon dành cho sinh viên rất hấp dẫn, được thiết kế để kết hợp nghệ thuật, khoa học và công nghệ, đồng thời giới thiệu các phương pháp tiếp cận doanh nhân, cũng như một chương trình đào tạo.

Một dự án hỗ trợ tám nhiếp ảnh gia trẻ từ khắp Việt Nam sáng tác các tác phẩm mới. Mỗi dự án sẽ sử dụng chất liệu từ hoạt động tiếp xúc với môi trường sinh thái hàng ngày làm điểm xuất phát, từ đó khám phá lịch sử gia đình, truyện dân gian, thay đổi môi trường hoặc các con đường thương mại toàn cầu cũng sẽ được tổ chức. Cùng với đó, 15 họa sĩ minh họa Việt Nam sẽ được mời tham gia sáng tạo dựa trên nội dung do nhà văn và nhà môi trường Trang Nguyễn sáng tác, tập trung vào chủ đề chăm sóc các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và môi trường sống của chúng. 

Song song với các hoạt động trên là những câu chuyện số về khí hậu và môi trường thông qua chuỗi hội thảo “Kể chuyện về khí hậu” diễn ra tại hai thành phố ở Việt Nam. Dự án tạo cơ hội cho người tham gia phát triển các thiết bị di động Respira-Tree đo ô nhiễm không khí trong thời gian thực, đi sâu vào các đoạn trích của bộ phim tài liệu Nine Earths, đóng góp vào các lưu trữ video và thu thập dữ liệu dân tộc học, đồng thời tham gia các cuộc thảo luận về khí hậu và môi trường tự nhiên.

Tại Hội thảo và Hội nghị bàn tròn của Vương quốc Anh-Việt Nam về phát thải ròng – Net Zero, các học giả và nhà lãnh đạo từ các ngành công nghiệp then chốt ở Vương quốc Anh và Việt Nam sẽ cùng nhau trao đổi về quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu phát thải ròng như một cách giải quyết các biến đổi khí hậu và môi trường. Sau hội thảo sẽ là một sự kiện bàn tròn học thuật được mở rộng cho công chúng nhằm trình bày và thảo luận các kết quả của hội thảo. Song song với hai sự kiện quan trọng này là các chuyến thăm phòng thí nghiệm, diễn đàn sinh viên và các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp.

Cùng với hội thảo là Triển lãm “Thử thách biến đổi khí hậu”. Sinh viên, học giả và các tổ chức giáo dục sẽ cùng làm việc với nhau để tìm cách thức cân bằng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng lớn nhằm đóng góp vào nguyện vọng và cam kết tại COP26 của Việt Nam là phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0.

Ngoài ra, các giáo viên tiếng Anh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở tại Hà Nội sẽ được mời tham gia chương trình bồi dưỡng khuyến khích lồng ghép nội dung khí hậu vào lớp học thông qua học tập theo dự án. Các giáo viên được chọn sẽ tham gia khóa học kéo dài 12 giờ trên nền tảng NILE bao gồm các mô-đun lập kế hoạch cho các dự án lớp học tích hợp đóng kịch và kể chuyện, cùng với các buổi học trực tuyến trên Zoom và trực tiếp. Các giáo viên sẽ chia sẻ về quá trình học tập của họ cũng như dự án của học sinh tại một hội thảo kéo dài một ngày ở Hà Nội. Dựa trên các giáo án và dự án được tạo ra trong suốt chương trình, một nguồn tư liệu tổng hợp sẽ được biên soạn và chia sẻ với các giáo viên trên khắp Việt Nam.

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV