Trong vài tuần qua, hỏa hoạn đã bùng phát tại một số cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga như nhà máy lọc dầu Rosneft ở Tuapse, kho dầu của Rosneft ở Klintsy, và cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng Novatek ở cảng Ust-Luga, ven Biển Baltic.
Theo các chuyên gia, Ukraine có thể đang nhắm mục tiêu vào các cơ sở này để làm gián đoạn hoạt động quân sự của Nga.
Chia sẻ với tờ New York Times, ông Olena Lapenko, chuyên gia an ninh năng lượng tại tổ chức nghiên cứu DiXi Group của Ukraine, nhận định “hành động tấn công vào các kho chứa dầu và cơ sở lưu trữ dầu là để làm gián đoạn tuyến đường hậu cần, và làm chậm hoạt động chiến đấu của Nga”.
“Làm gián đoạn các nguồn cung là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Ukraine nhằm chống lại Nga trên tiền tuyến”, ông Lapenko nói thêm.
Cũng theo ông Lapenko, Moscow đã thu được hơn 400 tỷ USD nhờ xuất khẩu dầu, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.
Bloomberg cho hay cuộc tấn công vào kho cảng Ust-Luga ven Biển Baltic kèm theo thời tiết xấu trong khu vực còn là gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu thô bằng đường biển của Nga, và giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 tháng qua.
Reuters nhấn mạnh thêm nếu Ukraine lên tiếng xác nhận thực hiện vụ tập kích kho Baltic Ust-Luga, điều đó cho thấy Kiev có thể tấn công vào các mục tiêu nằm sâu hơn trong lãnh thổ Nga bằng UAV tự sản xuất trong nước.
Thậm chí, một nguồn tin quân sự nói với hãng thông tấn RBC Ukraine rằng 1 UAV Ukraine còn bay qua dinh thự của Tổng thống Vladimir Putin trong vụ tấn công vào kho dầu ở thành phố St. Petersburg.
Trên thực tế, các hệ thống phòng không Nga lâu nay được cho hoạt động kém hiệu quả hơn trước UAV cỡ nhỏ do gặp khó trong việc phát hiện chúng.
Chia sẻ với tờ Business Insider, ông Samuel Bendett, chuyên gia về hệ thống quân sự không người lái và robot tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, cho hay “trước xung đột, Nga tự hào có hệ thống phòng thủ nhiều lớp, tác chiến điện tử cảm biến, các khẩu đội tên lửa, radar, có thể xác định và ngăn chặn mối đe dọa. Tuy nhiên, hầu hết các hệ thống phòng thủ này được thiết kế để xác định, và tiêu diệt những mục tiêu lớn hơn như tên lửa, trực thăng, máy bay quân sự. Nhiều hệ thống phòng thủ không thực sự hướng tới việc xác định các UAV cỡ nhỏ hơn nhiều".
Còn theo Forbes, cách tiếp cận hiệu quả của Ukraine đã phản ánh chiến lược tác chiến bằng UAV “mang ngòi nổ”. Bởi theo ông T.X. Hammes, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Quốc gia Mỹ, các UAV cỡ nhỏ, giá rẻ mang theo tải trọng bom tối thiểu cũng có khả năng tàn phá nếu mục tiêu bị tấn công dễ cháy.