Thua lỗ, nợ nần cao chót vót
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Đầu tư Gia sản iWealth vừa công bố thông tin về tình hình tài chính doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, với khoản lỗ sau thuế lên tới hơn 32 tỷ đồng. Qua đó vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính tới hết quý II/2023 giảm 33% so với đầu năm xuống còn 66,3 tỷ USD.
Đầu tư Gia sản iWealth ghi nhận sức khỏe tài chính yếu kém vào thời điểm cuối tháng 6/2023 với tổng nợ cao gấp hơn 68 lần vốn chủ sở hữu. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này có tổng nợ là 4.540 tỷ đồng.
Đây là một doanh nghiệp có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao hàng đầu trong số các đơn vị phát hành trái phiếu.
Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đạt hơn 11,3 lần. Doanh nghiệp có tổng nợ trái phiếu vào thời điểm giữa năm là 750 tỷ đồng. Đây chính là 2 lô trái phiếu có mã HBDCB2124001 và HBDCB2124002 được phát hành vào năm 2021.
Cả hai đều là trái phiếu “ba không”: không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản đảm bảo và được một công ty chứng khoán và một tổ chức tín dụng mua trọn.
Cả 2 lô trái phiếu của iWealth có lãi suất khá cao, khoảng 9%. Hồi tháng 4/2023, iWealth đã công bố việc thay đổi các điều kiện trái phiếu với mã HBDCB2124001. Tuy nhiên đến 22/8, iWealth đã mua lại toàn bộ 300 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của HBDCB2124001.
Việc mua lại trái phiếu của iWealth diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác cũng mua lại trước hạn trái phiếu nhằm giảm bớt nợ nần và cải thiện các chỉ số tài chính.
Với iWealth, chi phí tài chính ở mức cao cũng có thể là nguyên nhân, trong khi hoạt động hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính có lẽ không dễ dàng khi mà hệ thống ngân hàng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, với căn bệnh “thừa tiền”. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng gần đây chỉ khoảng 0,14-0,16%/năm, thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp, tới 15/9 mới đạt 5,56%.
Đầu tư Gia sản iWealth là một doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ tài chính. Tiền thân là Công ty TNHH Mua bán nợ Hòa Bình (HBDC), được thành lập năm 2012 tại Long An. Đến năm 2021, công ty đổi tên thành Đầu tư Gia sản iWealth và chuyển trụ sở ra quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sức cầu thấp, các công ty tài chính gặp khó
Cũng theo HNX, ông lớn tài chính tiêu dùng Fe Credit trong 6 tháng đầu năm báo lỗ gần 3.000 tỷ đồng, thay vì lãi vài nghìn tỷ đồng mỗi năm như trước đó.
Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) ghi nhận khoản lỗ 246 tỷ đồng trong nửa đầu năm, trái ngược với mức lãi sau thuế 92 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Nhiều công ty tài chính khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan hơn. Home Credit lãi sau thuế 211 tỷ đồng trên tổng vốn chủ sở hữu gần 6.600 tỷ đồng.
HD Saison của HDBank lãi trước thuế 314 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2022. Dư nợ tín dụng của HD Saison giảm 1.250 tỷ đồng so với đầu năm xuống còn 15.590 tỷ đồng.
Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (MCredit) báo lãi trước thuế trong 6 tháng đầu năm giảm 32% so với cùng kỳ xuống 410 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm, CTCP Kinh doanh F88 báo lỗ kỷ lục 368 tỷ đồng, tương đương mức lỗ trung bình lỗ 2 tỷ đồng mỗi ngày do chi phí rủi ro tăng cao cho dù doanh nghiệp này vẫn đang trong quá trình mở rộng mạng lưới.
Trong khoảng một năm qua, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam trầm lắng, dường như đã qua thời kỳ tăng trưởng bùng nổ. Thu nhập của người dân suy giảm mạnh theo tình hình kinh doanh yếu kém của cộng đồng doanh nghiệp.
Hoạt động đầu tư cũng không còn dễ dàng. Thị trường bất động sản trầm lắng, chứng khoán biến động khó lường khi các doanh nghiệp niêm yết đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ghi nhận hoạt động bán hàng ra nước ngoài chậm lại.
Đa số các công ty bán lẻ lớn tại Việt Nam đều gặp khó. Sức hấp dẫn của các doanh nghiệp này cũng không còn lớn. Gần đây, chuỗi bán lẻ Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài lần đầu tiên chứng kiến giai đoạn “hở room ngoại” kéo dài nhất trong nhiều năm. Các nhà đầu tư ngoại không còn tranh mua cổ phiếu MWG.
Hoạt động của doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ này đang rất kém thuận lợi. Doanh thu bán đồ điện tử tại các chuỗi Thế giới Di Động và Điện Máy Xanh hầu như chỉ đi ngang do ảnh hưởng từ sức mua sụt giảm.
Trong 6 quý vừa qua, MWG ghi nhận lãi ròng sụt giảm so với quý liền trước. Biên lãi gộp cũng liên tục bị thu hẹp.
Sức cầu trên thị trường tiêu dùng rất thấp, trong khi đó nhiều khách hàng của các doanh nghiệp tài chính rơi vào khó khăn khiến nợ xấu tăng mạnh.
Trong giai đoạn 2019-2021, nhiều công ty tài chính làm ăn phát đạt khi dòng tiền bơm ra nền kinh tế lớn, sức chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh. Trong năm 2022, F88 báo lãi kỷ lục 200 tỷ đồng với hiệu quả sử dụng vốn rất cao, hơn 30%. Một số công ty tài chính báo lãi vài nghìn tỷ đồng.
Trong thời kỳ phát triển nóng, bên cạnh vay vốn từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã phát hành lượng lớn trái phiếu để phục vụ cho quá trình tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh. Khi thị trường khó khăn và kênh trái phiếu khủng hoảng, các doanh nghiệp đang giảm phụ thuộc vào kênh này.
Theo FiinRatings, quy mô trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành trên thị trường giảm mạnh từ đỉnh cao 1,5 triệu tỷ đồng hồi giữa năm 2022 xuống còn 923.000 tỷ đồng vào cuối tháng 8/2023.
Trước đó hồi cuối tháng 3, thị trường tài chính nóng về câu chuyện dự thảo sửa quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng.
Theo đó, NHNN cũng đã từng tính đến việc thắt chặt việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng. Trong đó, quy định sẽ hạn chế các đối tượng là tổ chức phát hành có đòn bẩy cao hơn 5 lần sẽ không được tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.
Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp tài chính và bất động sản có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao vượt ngưỡng 5 lần như trường hợp Đầu tư Gia sản iWealth.