>> Phần 1: Thăng chức và từ chức trong bộ máy công quyền

Đây chính là dạng từ chức khá phổ biến ở phần lớn các nước, mặc dù xét về bề ngoài thì có vẻ giống với từ chức tự nguyện, bởi người giữ chức vụ nào đó trong chính phủ tự tuyên bố từ chức. Chính điểm này làm khá nhiều người ở ta nhầm tưởng ở các nước có văn hóa từ chức và ta nên học theo.

Tìm mọi cách biện minh để giữ ghế

Trường hợp từ chức do sức ép mới đây nhất ở Anh là của Bộ trưởng Y tế Matt Hancock vào tháng 6/2021. Châm ngòi cho sự việc là câu chuyện báo chí đăng ảnh ông ôm hôn nữ cộng sự thân tín vốn học cùng Đại học Oxford và khi ông lên chức Bộ trưởng đã kéo về Bộ làm việc.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock và nữ Bộ trưởng Giáo dục Đức Annette Schavan

Ban đầu, Bộ trưởng Y tế Anh coi đây là vi phạm quy định giữ khoảng cách trong đại dịch Covid-19 do chính Bộ ông ban hành. Quả đúng là bài đánh lạc hướng dư luận khôn ngoan và ông không hề có ý định từ chức. Nên nhớ rằng không chỉ ở Anh, mà ở nhiều nước khác, đã là chính khách mà có quan hệ ngoài luồng với phái nữ ở đâu đó bị phát hiện thì phần lớn đều phải từ chức.

Thủ tướng Boris Johnson ban đầu cũng bảo vệ Bộ trưởng Y tế, nhưng do sự phản đối mạnh từ đảng đối lập và cả những đảng viên trong đảng của mình nên cuối cùng buộc phải đi đến quyết định không thể tiếp tục chống lưng nữa. Việc gì phải đến đã đến. Bộ trưởng Y tế Anh tuyên bố từ chức.

Rõ ràng đây là từ chức do sức ép. Sức ép từ chính đảng của mình, từ đảng phái đối lập và nếu ai đó không từ chức thì uy tín, danh dự của đảng cầm quyền sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có thể kể ra rất nhiều ví dụ khác: Việc từ chức của Thủ tướng Thụy Điển Loefven tháng 8/2021 do khủng hoảng chính trị dẫn đến chính phủ liên minh thiểu số của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng ra Loefven còn dự định ra tranh cử vào năm nay, nhưng cuối cùng do sức ép, ông buộc phải từ chức.

Tiếp theo là việc từ chức của Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles vào tháng 6/2021. Điều lý thú ở đây là vị Bộ trưởng này bị cáo buộc buôn lậu gỗ, tham nhũng và chính trong thời gian ông tại chức, diện tích rừng của Brazil giảm sút nghiêm trọng do khai thác gỗ mạnh mẽ. Ngay từ tháng 7/2020, Tổng công tố viên đã yêu cầu vị bộ trưởng từ chức, nhưng ông ta không hề có ý định này. Chỉ đến khi dư luận và sức ép đủ mạnh mới buộc ông làm việc đó.

Chuyện từ chức bộ trưởng liên bang do đạo văn làm luận án tiến sỹ là khá điển hình ở Đức, đó là các trường hợp Bộ trưởng Quốc phòng Karl Theodor zu Gutenberg, nữ Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Annette Schavan, nữ Bộ trưởng Gia đình Franziska Gifey. Các vị này buộc phải từ chức vì uy tín cá nhân sa sút nghiêm trọng, vì giữ uy tín cho đảng cầm quyền và cũng vì sức ép đến từ phe đối lập và dư luận xã hội.

Sơ bộ có thể nói từ chức tự nguyện có thể xảy ra, nhưng rất ít khi xuất hiện, còn từ chức do sức ép là phổ biến hơn nhiều. Đằng sau hình bóng một vị bộ trưởng, thứ trưởng nào đó tuyên bố từ chức chính là đảng cầm quyền. Nói ngắn gọn, cả ta lẫn tây đều là đảng cầm quyền “thăng chức“ cho anh và khi cần thiết cũng sẽ cho anh “từ chức“.

Từ chức do sức ép có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng có một điểm chung là nếu người giữ chức vụ không từ chức sẽ ảnh hưởng tai hại tới uy tín của đảng cầm quyền, nghiêm trọng hơn trong kỳ bầu cử sắp tới có thể làm giảm số phiếu bầu cho đảng của mình.

Các vị giữ các chức vụ này về cơ bản không hề muốn từ chức, tìm mọi cách để biện minh, giải thích cho hành động của mình để giữ ghế. Và khi đó, ban lãnh đạo đảng của chính các nhân vật này phải ra tay, tạo sức ép, hãy từ chức đi vì lợi ích của đảng.

Thực tiễn chính trị nước ta cho thấy từ chức do sức ép còn rất hiếm. Tuy nhiên, từ chức do sức ép từ kinh nghiệm các nước cho thấy vẫn là một giải pháp hay, loại trừ được những vị lãnh đạo không xứng, qua đó tạo lập và củng cố uy tín, vai trò của đảng cầm quyền.

Đinh Duy Hòa 

Thăng chức và từ chức trong bộ máy công quyền

Thăng chức và từ chức trong bộ máy công quyền

Đọc xong bài Kế sách "bình thường hóa" việc từ chức của TS. Phạm Mạnh Hùng, tôi thấy nhiều vấn đề đúng và hay, nhưng quả thật cũng còn rất phân vân.