Quy định “đánh đố” doanh nghiệp
Không chỉ hạn chế điều kiện được làm dự án như trong bài “Doanh nghiệp từ bỏ dự án vì quy định đất ở” mà Báo VietNamNet đã đăng tải; dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn hạn chế cho doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất để làm dự án.
Bởi quy định trong dự thảo luật chỉ cho nhận chuyển nhượng đất ở, đất phi nông nghiệp không phải đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền thuê đất một lần để làm dự án.
Thực tế hiện nay, đang khuyến khích nhà đầu tư tự thỏa thuận trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc yêu cầu có đất ở và đất phi nông nghiệp đã nộp tiền thuê đất một lần như trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ khiến nhiều dự án không thể chuyển đổi, không thể triển khai.
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cho rằng, đưa quy định đó là “đánh đố” doanh nghiệp.
Bởi theo ông, chẳng có doanh nghiệp nào trong quá trình sử dụng đất mục đích thương mại, dịch vụ mà lại đi nộp tiền sử dụng đất suốt cả đời dự án 50 năm.
“Gần như 100% các đất kinh doanh dịch vụ đều trả tiền thuê đất hàng năm. Giá đất cũng có thể thay đổi, rất ít dự án trả tiền thuê đất một lần cả đời dự án và các doanh nghiệp cũng không có tiền để làm việc đó. Như vậy là nếu áp quy định thì rất không thực tế”, ông Hiệp nói.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc phân tích thêm, khi doanh nghiệp phát triển dự án sẽ phải đi gom đất. Nếu quy định như ở dự thảo thì những người có đất để được quyền chuyển nhượng sẽ phải đi nộp thuế một lần, làm sao họ có tiền để đóng?
Hơn nữa, để xác định được thuế đất cũng là chuyện không dễ dàng bởi lên cơ quan nhà nước yêu cầu xác định số tiền thuế trong 50 năm để đóng một lần, họ cũng dám xác định. Còn để lập ra cơ quan chuyên môn để thẩm định giá đất đó lại rất phức tạp, bất cập. Điều này cũng sẽ rất khó có đất đủ quy mô để lập dự án cho các doanh nghiệp lớn.
“Nên đưa ra những quy định dễ dàng cho cả doanh nghiệp và người chuyển nhượng đất, quy trình được thống nhất ở các luật với nhau. Nếu không, khi thực hiện sẽ lại gây khó cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước”, ông Quyết cho hay.
Cần lắng nghe, sửa đổi
Trước những bất cập tại điểm b khoản 1 và khoản 6 điều 128 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nên lắng nghe tất cả ý kiến của các doanh nghiệp để chỉnh sửa sao cho hài hòa lợi ích. Nếu như giải quyết được việc đó, sẽ thuận lợi cho phát triển cho kinh tế - xã hội, chứ không riêng cho đối tượng nào.
“Còn nếu làm theo hướng của điều 128 ở dự thảo luật thực sự sẽ cản trở hết các dự án. Tôi e là sẽ cản trở sự phát triển của kinh tế - xã hội bởi bất động sản không làm được sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành”, ông Hiệp nói.
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, quy định dự thảo có thể sửa theo hướng phát triển các dự án nhà ở thương mại trên cơ sở là đất ở và các loại đất khác, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất sẽ linh hoạt hơn. Quy định đó vừa hỗ trợ cho các nhà đầu tư; vừa phù hợp với chủ trương của các cơ quan chức năng trong việc tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản.
Là người “đau đáu” với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đánh giá, điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 128 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa phù hợp với chủ trương tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản và không “thông thoáng” như Luật Đất đai 2013.
Lý do, trước Luật Đất đai 2013 có quy định chủ đầu tư dự án sử dụng đất phi nông nghiệp được nộp tiền sử dụng đất, nhưng đến Luật Đất đai 2023 thì chỉ còn quy định chủ đầu tư dự án sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp tiền thuê đất và được lựa chọn trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm.
Do đó, ông Châu đề xuất sửa đổi dự thảo Luật Đất đai theo hướng doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư; chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại nếu có quyền sử dụng đất hoặc nhận quyền sử dụng đất gồm đất ở, một phần đất khác (có thể là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp được thuê trả tiền một lần hoặc trả tiền hàng năm); thì đều được sử dụng để thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (phù hợp các loại quy hoạch...).
Luật Đất đai có vai trò quan trọng, tác động tới nhiều luật khác; do đó, các doanh nghiệp, hiệp hội kỳ vọng lần sửa đổi luật này sẽ đưa ra các quy định phù hợp với thực tế, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Nhu cầu nhà ở của người dân ở các thành phố lớn rất lớn, nếu không giải quyết được các vướng mắc pháp lý, rất khó giải được bài toán nguồn cung nhà ở đang thiếu hiện nay.