Sau gần hai nhiệm kỳ, Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới, với tài sản ròng lên tới 120 nghìn tỷ USD vào năm 2020, so với 90 nghìn tỷ của Mỹ. 

Là một phần quan trọng của “Giấc mộng Trung Hoa”, ông Tập Cận Bình đề ra mục tiêu đưa Trung Quốc bước vào “xã hội khá giả” năm 2021 - nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc và trở thành quốc gia hiện đại toàn diện vào năm 2049 - nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa. 

{keywords}
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Cuối năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố đã thực hiện thành công xoá nghèo tuyệt đối và bước vào “xã hội khá giả”, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp hành tinh. Bắc Kinh cho biết, trong 8 năm qua, gần 100 triệu người đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo, đồng thời ca ngợi đây là một "chiến thắng toàn diện" và sẽ "đi vào lịch sử".

Ngay từ nhiệm kỳ đầu, ông Tập Cận Bình đã đưa ra rất nhiều sáng kiến táo bạo và ý tưởng có tầm nhìn xa liên quan tới nhiều vấn đề cả trong và ngoài nước. 

Chương trình cải cách Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) dưới sự chỉ đạo của ông Tập được coi là cuộc cải tổ sâu rộng và có khả năng tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong lịch sử quân đội nước này. Chương trình giải quyết hai “mắt xích yếu” về công nghệ và thể chế, với mục tiêu “hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng và hiện đại hóa quân đội vào năm 2035”, đồng thời đưa PLA trở thành “quân đội hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ”.

Sau cuộc cải tổ này, quân đội Trung Quốc đã thực hiện tái cơ cấu và điều chỉnh quyền hạn lãnh đạo ở tầng đỉnh, cắt giảm 300 nghìn lục quân, nâng cao năng lực tác chiến liên hợp và khả năng giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh thông tin cục bộ.

Chiến lược “Vành đai và Con đường” (BRI) cho tới nay đã có sự tham gia của 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, có vai trò đối trọng với các định chế đa phương hiện có do Mỹ cầm trịch. Dự án này thậm chí còn được đưa vào hiến pháp vào năm 2017.

Song song với BRI, Trung Quốc không ngừng hợp thức hoá và thể chế hoá các chiến lược nâng tầm ảnh hưởng quốc tế thông qua các sáng kiến về “Con đường tơ lụa y tế”, “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”… 

Những thành công của Trung Quốc về kinh tế, xã hội và vị thế kể trên, cộng với hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 trong tương quan so sánh với các xã hội phát triển như Mỹ và châu Âu đã khiến người dân tin tưởng hơn vào chính phủ.

Kết quả cuộc khảo sát của Đại học York hợp tác với học giả Trung Quốc thăm dò niềm tin của người dân nước này đối với chính quyền lên tới 98%. Gần một nửa số người được hỏi (49%) nói rằng họ tin tưởng hơn vào chính quyền trung ương kể từ khi đại dịch bùng phát.

Từ đó, sự tự tin của Trung Quốc cũng tăng cao hơn bao giờ hết, nhu cầu của hơn 1 tỷ người dân về một “giấc mộng Trung Hoa” đã không chỉ dừng lại ở sự giàu có và hùng mạnh, mà còn bao gồm cả quyền có được sự tôn trọng từ phần còn lại của thế giới.

Bất ổn đối mặt

Thành tựu nhiều nhưng thách thức lớn, hiện tại Trung Quốc đang phải đối mặt với bất ổn kinh tế lớn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và về bản chất mang tính cấu trúc, chứ không chỉ mang tính chu kỳ. Sự suy giảm tốc độ tăng trưởng này phản ánh quá trình chuyển đổi khó khăn mà các nền kinh tế phát triển nhanh khác đã không thể giải quyết được trong quá khứ.

{keywords}
Cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu xảy ra với China Evergrande Group, sau đó lan sang các công ty khác. Ảnh: The star

Bắc Kinh đang thực hiện các biện pháp hạn chế rủi ro tài chính vì nợ đang ở mức cao. Các biện pháp này đã tạo ra áp lực đối với thị trường nhà ở. Cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu xảy ra với China Evergrande Group và sau đó lan sang các công ty khác. Giá nhà vẫn tăng.

Thêm vào đó, khoảng cách thu nhập ngày càng nới rộng. Mới đây, Bắc Kinh phải thúc đẩy việc nâng cao năng lực tái phân phối lợi ích kinh tế và bình đẳng về cơ hội bằng khẩu hiệu “thịnh vượng chung”.

Từ việc mạnh tay thực thi chính sách “1 con”, Trung Quốc hiện đối mặt với cuộc khủng hoảng về nhân khẩu, số lượng ca sinh năm ngoái giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1961. Trung Quốc sẽ “già đi” trước khi “giàu lên”, điều này gây thêm áp lực đối với sự tăng trưởng. Thách thức về bẫy thu nhập trung bình trở nên trầm trọng hơn bởi quá trình già hóa dân số.

Bầu trời Bắc Kinh và các thành phố lớn đã trở nên trong xanh hơn kể từ tình trạng ô nhiễm kỷ lục vào năm 2013. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nguồn phát thải chính về khí metan, cũng là quốc gia sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất, đồng thời lượng khí thải sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2030, trước khi giảm xuống bằng 0 vào năm 2060 như cam kết.

TS Hoàng Huệ Anh (Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) 

Trung Quốc thay đổi ra sao sau 5 thế hệ lãnh đạo

Trung Quốc thay đổi ra sao sau 5 thế hệ lãnh đạo

Ngày 1/10/1949, tại quảng trường Thiên An Môn, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa, đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ lịch sử mới.