Chuyển dịch năng lượng là biện pháp tất yếu để chúng ta đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Tại COP26, Việt Nam là một trong những quốc gia đưa ra các cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050; không xây mới điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040… Chuyển dịch năng lượng bền vững theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng và tăng thị phần sử dụng, sản xuất năng lượng tái tạo đang là chiến lược ưu tiên hàng đầu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Sản xuất năng lượng tái tạo đang là chiến lược ưu tiên hàng đầu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Ngày 04/08/2023, nhóm công tác Thanh niên về Chính sách Khí hậu (Youth Policy Working Group - YPWG) đã tổ chức Bàn tròn Thanh niên về Năng lượng Xanh. Với chủ đề “Trao quyền đề thanh niên tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng”, bàn tròn nhằm chia sẻ kiến thức và thu hút sự quan tâm của thanh niên Việt Nam về quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng. Sự kiện cũng là một diễn đàn để thanh niên đối thoại và học hỏi, làm nổi bật vai trò của những người trẻ tuổi trong bước thay đổi quan trọng này.

Tại hội thảo, ông Tuấn Nguyễn - Tư vấn năng lượng & năng lượng tái tạo, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cho rằng, chuyển dịch năng lượng là quá trình một nền kinh tế giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng than đá và thay vào đó là các nguồn năng lượng xanh, sạch, bền vững. Năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong phát triển xã hội cũng như khả năng thích ứng và chống chịu thiên tai.

TS. Nguyễn Thị Xuân Thắng, Chuyên gia về Quy hoạch không gian biển, Biến đổi khí hậu & Chuyển dịch năng lượng, UNDP Việt Nam cũng đem đến cho các đại biểu tại bàn tròn những thông tin cơ bản tác động tiêu cực của năng lượng than đá như ô nhiễm không khí, gây bệnh tật cho con người. Việc đốt các nhiên liệu này tạo ra lượng khí nhà kính quá mức. Nếu không giảm phát thải khí nhà kính có thể khiến nhiệt độ và các hiện tượng khí hậu cực đoan trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, nguồn nước và chất lượng cuộc sống.

Bà Thắng cũng phân tích những tác động của biến đổi khí hậu tới ngành năng lượng như nếu tăng nhiệt độ thì làm tăng nhu cầu năng lượng do sử dụng thiết bị làm mát và thông gió. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả và sản lượng của các nhà máy điện. Khi tăng lượng mưa dẫn tới việc tăng sản xuất các nhà máy thủy điện và lưu trữ nước trong các hồ chứa. Lượng mưa và lưu lượng nước bất thường làm ảnh hưởng đến kế hoạch cung cấp và sản xuất của các nhà máy thủy điện. Mưa, bão và nước biển dâng làm ảnh hưởng đến các nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện, trạm biến áp, các cơ sở năng lượng khác ở vùng trũng thấp và ven biển… làm ảnh hưởng đến việc cung cấp và tiêu thụ năng lượng.

Thông tin tại bàn tròn cho biết, Việt Nam xếp thứ 19 trong số các nước phát thải lớn nhất với tổng thị phần 0,088% vào năm 2019. Ngành năng lượng chiếm hơn 65% tổng phát thải khí nhà kính cả nước. Do đó, Việt Nam cần phải dịch chuyển năng lượng bởi năng lượng là động lực chính cho phát triển kinh tế

YPWG - Nhóm Công tác Thanh niên về Chính sách Khí hậu được thành lập vào năm 2023, dưới sự hỗ trợ bởi Việt Nam Youth4Climate, hứa hẹn sẽ mang đến cho thanh niên nhiều cơ hội đóng góp và tham gia vào lĩnh vực chính sách khí hậu. 

Nhóm Chính Sách Youth4Climate là một dự án do thanh niên lãnh đạo được tạo ra trên cơ sở Báo cáo đặc biệt về Thanh niên hành động vì khí hậu năm 2021 và 2022 dựa trên kết quả các cuộc thảo luận và đề xuất của thanh niên trong quá trình viết báo cáo. Dự án này cũng là sự tiếp nối các sáng kiến do thanh niên lãnh đạo bởi các mạng lưới và tổ chức thanh niên như YNET và Youth4Climate Viet Nam, những người đã tích cực tham gia thảo luận để nhóm công tác Chính sách Youth4Climate được củng cố tại Việt Nam. Là một phần của sáng kiến Việt Nam Youth4Climate, UNDP Việt Nam, Cục Biến đổi Khí hậu (DCC-MONRE) và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (HCYU) hỗ trợ xây dựng và vận hành dự án này.

Quang Phong và nhóm PV, BTV