Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi hôm nay (29/8) ký văn bản khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu về việc hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM.
Động thái này được đưa ra sau cuộc làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với lãnh đạo UBND TPHCM và 4 tỉnh liên quan diễn ra ngày 26/8 vừa qua về tình hình triển khai dự án nói trên.
Theo đó, trong buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị UBND TPHCM chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh liên quan hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 tổng thể cho toàn tuyến với tổng chiều dài khoảng 207km.
Hồ sơ sẽ được trình cấp thẩm quyền thẩm định, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024. Trong đó, chủ trương đầu tư dự án sẽ xác định các dự án thành phần đi qua địa phận TPHCM và các tỉnh (Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) và giao cho địa phương tổ chức thực hiện, tương tự như dự án Vành đai 3 TPHCM.
Để kịp thời triển khai, đáp ứng tiến độ cấp bách nêu trên, UBND TPHCM đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ngành của địa phương tập trung cao độ, khẩn trương phối hợp với Sở Giao thông vận tải TPHCM nhằm hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/9.
Tuyến Vành đai 4 dài gần 207km, trong đó Long An chiếm hơn 78km, Bình Dương 47,5km, Đồng Nai 45,6km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1km và TPHCM 17,3km.
Giai đoạn 1, dự án xây 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy... Giai đoạn này cũng sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn để thuận lợi cho việc mở rộng trong tương lai.
Tổng mức đầu tư ước tính hơn 128.000 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng gần 77.000 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 51.000 tỷ đồng. Dự án được đề xuất theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Hồi tháng 4/2024, Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh thống nhất đề nghị UBND TPHCM đảm nhận vai trò là cơ quan đầu mối để tổng hợp quá trình triển khai thực hiện; chủ trì, thống nhất với các địa phương lựa chọn một đơn vị tư vấn tổng thể; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho toàn bộ tuyến.
Vừa qua, UBND TPHCM đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4.