Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng đối với cả nước.

Thành phố có 53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống và làm việc với 468.128 người, chiếm 5,2% tổng dân số của Thành phố. Trong đó, dân tộc Hoa 382.826 người (81,8% trong tổng số dân tộc thiểu số), dân tộc Khmer 50.422 người (10,8%), dân tộc Chăm 10.509 người, còn lại là các dân tộc khác. 

Thành phố còn là nơi hội tụ nhiều tôn giáo lớn hoạt động, như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Hồi giáo, Cao Đài... với khoảng trên 1,6 triệu tín đồ, chiếm hơn 25% trong tổng số khoảng 10 triệu dân của Thành phố. 

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều tôn giáo lớn hoạt động

Việc kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ chức, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp làm công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh được xác định là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng. Theo đó, cần đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị và kiến thức về dân tộc, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Tổ chức đào tạo chuyên sâu cho 100 - 200 cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo ở hai trình độ cử nhân và sau đại học; hàng năm thực hiện bồi dưỡng, tập huấn về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ đương chức”, để thực hiện mục tiêu này, Thành ủy đã ban hành Đề án số 04 - ĐA/TU về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dân tộc - tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị TP. 

Theo bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, xác định công tác dân tộc luôn gắn liền với công tác tôn giáo, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là vấn đề chiến lược, lâu dài của TP. Hồ Chí Minh. 

Thời gian qua, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo của TP luôn được bổ sung, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, cơ bản có đủ tiêu chuẩn năng lực chính trị và chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ làm công tác này, đặc biệt là cấp cơ sở còn một số mặt hạn chế như: phần lớn cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo chưa được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức chuyên sâu về các dân tộc, tôn giáo; thiếu tự tin khi tiếp xúc với đồng bào dân tộc và chức sắc, chức việc các tôn giáo.

Thời gian qua, Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp các đơn vị tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác dân tộc, tôn giáo.

Năm ngoái, khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác dân tộc, tôn giáo được tổ chức gồm 9 lớp học từ tháng 5 đến tháng 8/2022 với sự tham gia của 573 học viên là chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam, trưởng công an phường, xã, thị trấn tại TPHCM. Tham gia khóa học, các học viên được trang bị 10 chuyên đề, 1 buổi thảo luận và 1 buổi tham quan thực tế tại cơ sở tôn giáo.

Cụ thể, các học viên đã tham gia 10 chuyên đề: Quan điểm của Đảng về công tác dân tộc, tôn giáo; tình hình dân tộc, vấn đề dân tộc trên địa bàn TPHCM; tình hình tôn giáo; vấn đề tôn giáo trên địa bàn Thành phố; hệ thống tổ chức, giáo lý, giáo luật, lễ nghi của Phật giáo; hệ thống tổ chức, giáo lý, giáo luật, lễ nghi của Công giáo, Tin lành; hệ thống tổ chức, giáo lý, giáo luật, lễ nghi của Cao đài, Phật giáo Hoà hảo; hệ thống tổ chức, giáo lý, giáo luật, lễ nghi của Hồi giáo; tập quán, truyền thống dân tộc Hoa; tập quán, truyền thông dân tộc Khmer, Chăm; kỹ năng công tác dân tộc, tôn giáo.

Các chuyên đề do giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TPHCM), lãnh đạo Ban Tôn giáo TPHCM, lãnh đạo Ban Dân tộc TPHCM và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy TPHCM trực tiếp truyền đạt kiến thức tại lớp học.

Thông qua khóa học, các học viên nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng đối với dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo; lễ nghi của một số tôn giáo lớn; tiếp thu được những kinh nghiệm, kỹ năng vận động đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo. Ban Tổ chức khóa học đã trao bằng khen cho 10 học viên tiêu biểu và trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng khóa học cho 566/573 học viên.

Tại khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác dân tộc, tôn giáo năm 2023 sẽ giúp học viên trang bị kiến thức cơ bản và tập trung nghiên cứu các chuyên đề về tình hình tôn giáo, dân tộc trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; hệ thống tổ chức các tôn giáo; tập quán, truyền thống các dân tộc Hoa, Khmer, Chăm; các kỹ năng công tác dân tộc, tôn giáo,…

Học viên tham gia khóa học là cán bộ, công chức làm công tác dân vận, tôn giáo tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Khóa bồi dưỡng diễn ra từ nay đến hết ngày 29/6/2023, gồm 10 lớp với 628 học viên tham gia.

Phát biểu tại lễ khai giảng, bà Trần Kim Yến chia sẻ, TPHCM hiện có 53 dân tộc anh em sinh sống, học tập và làm việc nên là địa phương có đặc thù về công tác dân tộc, tôn giáo. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận về dân tộc, tôn giáo tại thành phố xuất phát từ nhiều nguồn nên còn nhiều khó khăn. Do đó, việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác dân tộc, tôn giáo đối với cán bộ làm công tác dân vận là cần thiết.

Cũng theo bà Trần Kim Yến, để làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo thì ngoài kiến thức, kỹ năng cần có thêm kinh nghiệm từ thực tiễn. Đồng chí hy vọng qua khóa học, cán bộ, công chức làm công tác dân vận, tôn giáo sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng để làm tốt nhiệm vụ tại địa phương.

Hồng Vy