Sáng 27/3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với UBND TP.HCM về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tuyển không được, ứng viên đăng ký ít hơn chỉ tiêu
Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ tháng 11/2014 đến 6/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đánh giá, hiện nay, đội ngũ giáo viên của thành phố chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn.
Các giáo viên được phân công giảng dạy môn tổ hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý) và hoạt động giáo dục mới (Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương) gặp rất nhiều khó khăn do chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm. Những môn mới, giáo viên chưa được đào tạo chính quy.
Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Hơn 1 học kỳ năm học 2021-2022, học sinh học trực tuyến.
Việc này ảnh hưởng rất lớn tới quá trình triển khai chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt ảnh hưởng tới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động học tập theo hướng tích cực, phát huy vai trò của người học, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa.
Bộ Nội vụ cho phép tuyển dụng giáo viên theo hình thức hợp đồng nhưng chỉ áp dụng ở các đơn vị tự chủ một phần, riêng đơn vị hoạt động do ngân sách cấp 100% kinh phí không thể hợp đồng giáo viên, do đó vẫn chưa giải quyết triệt để được vấn đề thiếu giáo viên giảng dạy ở thành phố.
Chương trình 2018 ở tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là một trong những thách thức đối với một số quận/huyện, nơi có dân nhập cư đông, tỷ lệ phòng học/lớp chưa đáp ứng được đà tăng dân số.
Tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu và việc thiếu phòng học để tổ chức học 2 buổi cho những năm tiếp theo, khi tỷ lệ học sinh học 2 buổi của khối tiểu học tăng sẽ là khó khăn lớn của thành phố.
Việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn, số lượng ứng viên thường thấp hơn chỉ tiêu, đôi khi không có ứng viên đăng ký dự tuyển dẫn đến một số trường ở thành phố thiếu giáo viên dạy nhiều môn, giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên tiếng Anh và Tin học – Công nghệ, Nghệ thuật.
Chủ động các giải pháp thực hiện
Tới đây, toàn ngành tiếp tục tăng cường tuyển dụng giáo viên các bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật song song với việc tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM chính sách thu hút giáo viên các môn đặc thù.
Liên quan đến việc lựa chọn sách giáo khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, quy định phải đưa ra danh mục lựa chọn SGK trước 5 tháng so với ngày khai giảng, tức đầu tháng 4 phải có danh mục sách giáo khoa đang tạo áp lực lớn cho cơ sở phổ thông.
"Chúng tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định thời gian đưa ra danh mục lựa chọn sách giáo khoa trước ngày khai giảng 3 tháng để các nhà xuất bản có đủ thời gian in ấn và phát hành sách.
Trong đó, tinh thần chọn sách không xác định một bộ sách chủ lực, các bộ sách còn lại tham khảo mà trao quyền chủ động cho các cơ giáo dục lựa chọn phù hợp điều kiện thực tế tại đơn vị", ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết.
Giải bài toán thiếu giáo viên cần bắt đầu từ việc sớm tăng lương
Hơn 38.000 thầy trò mắc Covid-19, TP.HCM đối mặt thiếu giáo viên
Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 1 đến 7/3 trong số học sinh TP.HCM mắc Covid-19 là hơn 34.000 ca, tăng gần gấp đôi tuần trước.