Không bắt buộc dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất nhà ở xã hội 

Liên quan đến dự thảo “Nghị quyết thí điểm nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” do Bộ Xây dựng soạn thảo, UBND TP.HCM vừa đóng góp một số ý kiến. 

Về chính sách đất đai để xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH), tại khoản 3 điều 3 của dự thảo quy định “chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không bắt buộc phải dành diện tích đất ở để xây dựng NƠXH”. 

Theo giải thích của Bộ Xây dựng, vì lý do cảnh quan, kiến trúc ở đô thị đặc biệt và do quỹ đất ở hạn chế nên sẽ không khả thi khi quy định dành đất trong dự án nhà ở thương mại để xây NƠXH. 

Theo UBND TP.HCM, quy định trên sẽ ảnh hưởng lớn đến chương trình, kế hoạch phát triển NƠXH của các địa phương có nhu cầu về NƠXH lớn như Hà Nội, TP.HCM; ảnh hưởng đến đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021 – 2030; không phát huy nghĩa vụ với xã hội của doanh nghiệp đầu tư dự án BĐS thương mại. 

Do đó, nên quy định theo hướng giao UBND cấp tỉnh điều tiết nghĩa vụ NƠXH của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị theo hình thức nộp tiền mặt hoặc xây NƠXH tại vị trí khác. 

Dự thảo “Nghị quyết thí điểm nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” không bắt buộc dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất để xây nhà ở xã hội. (Ảnh: Anh Phương)

Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH, tại điểm b, khoản 2, điều 4 của dự thảo quy định: “Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư thì thực hiện lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về nhà ở”. 

UBND TP.HCM cho rằng, vấn đề này là vướng mắc lâu nay bởi pháp luật về nhà ở không quy định cụ thể về đấu thầu. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH hiện vẫn phải thực hiện theo pháp luật đấu thầu. 

Để đồng bộ với pháp luật đấu thầu và cắt giảm thủ tục và thời gian, UBND TP.HCM đề nghị lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật đấu thầu và được phép áp dụng quy trình đấu thầu rút gọn, bỏ qua bước tổ chức đấu thầu quốc tế và bước sơ tuyển. 

Tại điểm c, khoản 2, điều 4 của dự thảo quy định: “Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp quy hoạch xây dựng nhà ở, có đủ điều kiện làm chủ đầu tư và có nhu cầu xây NƠXH thì được giao làm chủ đầu tư xây dựng NƠXH”. 

Theo UBND TP.HCM, dự thảo không quy định rõ thực hiện quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với trường hợp trên theo quy định của pháp luật nào. Đề nghị quy định rõ để áp dụng thực hiện sau này.

Lo doanh nghiệp trục lợi

Về các quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH để cho thuê, cho thuê mua, bán, tại điểm d, khoản 2, điều 5 của dự thảo quy định: 

“Được dành một phần quỹ đất trong phạm vi dự án hoặc một phần diện tích sàn thuộc phần khối đế công trình theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại theo quy định của Chính phủ. Chủ đầu tư được hạch toán riêng và hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thương mại này”. 

UBND TP.HCM cho rằng, việc hạch toán riêng và hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thương mại này sẽ tạo điều kiện, khuyến khích chủ đầu tư tham gia đầu tư NƠXH. 

Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ tỷ lệ phần trăm quỹ đất hoặc tỷ lệ phần trăm diện tích sàn thuộc khối đế công trình để chủ đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại. 

“Đề nghị Bộ Xây dựng cần có quy định rõ tỷ lệ phần trăm này, tránh tình trạng chủ đầu tư lợi dụng chính sách để thiết kế phần diện tích kinh doanh thương mại có lợi về phần mình”, UBND TP.HCM kiến nghị. 

Theo UBND TP.HCM, việc không hạch toán vào giá bán NƠXH sẽ đẩy giá thành NƠXH lên cao so với quy định hiện hành. Điều này dẫn đến các đối tượng thụ hưởng khó có cơ hội mua được NƠXH. Do đó, Bộ Xây dựng cân nhắc thêm về nội dung này. 

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM còn kiến nghị chủ đầu tư dự án NƠXH xây dựng phương án giá bán, cho thuê, cho thuê mua được cơ quan thẩm quyền thẩm định trước thời điểm nhà ở đủ điều kiện giao dịch. Đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH là hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc. 

Không Tăng biên độ lợi nhuận quá cao

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Hữu Nghĩa, TGĐ Công ty Lê Thành, cho rằng không thể tăng biên độ lợi nhuận của dự án NƠXH lên quá cao bởi như vậy sẽ khiến cho giá nhà tăng theo. Tuy nhiên, mức lợi nhuận 20% là hợp lý. Trong đó, lợi nhuận của loại hình NƠXH cho thuê có thể tăng lên 20% và NƠXH để bán có thể lên 15%. 

Theo ông Nghĩa, quy định hiện nay, các dự án NƠXH được dành 20% tổng diện tích dự án để xây công trình kinh doanh thương mại. Tuy vậy, lợi nhuận của phần thương mại này lại tính chung vào tổng thể công trình và tổng lợi nhuận bị khống chế ở mức 10%. 

“Gộp chung như thế này thì việc các doanh nghiệp bán phần thương mại với giá cao sẽ không còn ý nghĩa gì. Theo tôi, nên tách bạch lợi nhuận NƠXH và lợi nhuận của phần thương mại này ra. Như vậy sẽ khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư NƠXH”, ông Nghĩa đề xuất.