Chia sẻ với VietNamNet, ông Lê Văn Bàng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ cho biết ông rất tự hào khi được gặp và nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu với Bộ Ngoại giao nhiều lần.
Đại sứ Lê Văn Bàng cho hay: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 5 lần đến dự Hội nghị Ngoại giao, trực tiếp nói chuyện và căn dặn cán bộ ngoại giao. Những cán bộ ngoại giao rất thấm thía và biết ơn những chỉ đạo, góp ý của Tổng Bí thư đối với ngành.
Những lời dặn, bài viết của Tổng Bí thư đối với ngành ngoại giao, nhất là về ngoại giao cây tre Việt Nam - được coi như cẩm nang mà chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi".
Theo ông Bàng, đây là sự tổng kết và khái quát hóa rất cao nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta cũng như bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Nền ngoại giao đã được xây dựng và phát triển trên cơ sở kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc đã trường tồn qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Vững chắc về nguyên tắc vì lợi ích quốc gia dân tộc nhưng mềm dẻo, ứng xử linh hoạt trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết tiến, biết thoái”.
Kể từ những năm 1996-1997, Đại sứ Lê Văn Bàng đã được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần.
"Tôi nhớ trong một hội nghị cách đây hơn 20 năm, Tổng Bí thư có hỏi về quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Khi đó tôi có trả lời 'vấn đề hội nhập quốc tế như con suối chảy ra sông, sông ra biển lớn, Việt Nam ta cũng đang trong tình hình như vậy, để ra biển lớn thì ta phải hội nhập quốc tế, đó là vấn đề toàn cầu hóa mà buộc chúng ta phải tham gia'. Tổng Bí thư đã đồng ý với nhận định này của tôi", Đại sứ Lê Văn Bàng nhớ lại.
"Riêng tôi nhớ nhiều kỷ niệm sâu sắc với Tổng Bí thư. Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ. Trước chuyến thăm, tôi được gọi để đóng góp ý kiến về chương trình, hoạt động và các phát biểu của Tổng Bí thư trong chuyến thăm.
Lúc đó, tôi cũng gửi gắm kỳ vọng thông qua chuyến thăm, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không ngừng được nâng lên, bởi tiềm năng hợp tác lớn", ông Bàng kể lại.
Theo Đại sứ Lê Văn Bàng, đây chuyến thăm mang tính lịch sử không chỉ của hai nước, mà còn của thế giới.
Lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (một chức danh tương đương không có trong hệ thống quản trị của Mỹ) thăm chính thức Mỹ - một quốc gia vốn là cựu thù, có hệ thống chính trị khác biệt. Tổng thống, lãnh đạo chính phủ, Quốc hội Mỹ đã đón Tổng Bí thư với nghi thức rất cao, rất trọng thị, với một chương trình làm việc rất phong phú và thực chất.
"Đó cũng là một mốc lịch sử trong ngành ngoại giao Việt Nam. Sau này, Tổng Bí thư vẫn tiếp tục theo dõi và có nhiều đóng góp trong phát triển quan hệ Việt-Mỹ. Tiêu biểu là năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Quan hệ Việt-Mỹ được nâng lên mức Đối tác chiến lược toàn diện", ông Bàng nhấn mạnh.
Với ngành ngoại giao nói riêng, Đại sứ Lê Văn Bàng chia sẻ, mặc dù Tổng Bí thư không xuất thân từ ngành nhưng "chúng tôi luôn coi ông là một người thầy, một người mà chúng tôi rất kính trọng để học tập".
Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ, ông được tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất nhiều lần, đặc biệt là những năm gần đây khi ông làm Đại sứ Việt Nam tại Nga.
Năm 2014, Đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn vinh dự được tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Liên bang Nga.
Phía Nga dành cho Tổng Bí thư nghi lễ tiếp đón cao nhất. Thủ tướng Nga khi đó là ông Medvedev tự lái ô tô điện tới hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tất cả lãnh đạo cao cấp Nga đều sử dụng từ "đồng chí" trong hội kiến, hội đàm với Tổng Bí thư. Điều đó thể hiện tình cảm gần gũi, gắn bó giữa các nhà lãnh đạo Nga và Việt Nam.
"Tổng thống Putin đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nga cũng đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong hội nhập với thế giới và được bạn bè quốc tế tôn trọng, khâm phục. Điều đó khẳng định chính sách đối ngoại đúng đắn của chúng ta", ông Sơn nói.
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nhớ như in tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: "Ngoại giao Việt Nam phải có đường lối, chính sách và mục tiêu trước sau như một của chúng ta luôn luôn phù hợp với xu thế lớn của thời đại.
Như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế...".
"Tổng Bí thư căn dặn phải vận dụng khéo léo, không cứng nhắc, tức là đồng chí muốn nhắc lại ý của Bác Hồ từ thời kỳ mới thành lập nước, đó là 'dĩ bất biến, ứng vạn biến' tùy tình hình, điều kiện để vận dụng những quyết sách phù hợp, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời để thế giới thấy rõ chúng ta luôn luôn mong muốn kết bạn với tất cả các nước. Chúng ta yêu chuộng, tôn trọng và giữ vững hoà bình, muốn đem lại hoà bình cho các quốc gia", ông Sơn phân tích.